Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:05 (GMT +7)
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thứ 2, 01/07/2024 | 16:48:13 [GMT +7] A A
Từ đầu năm đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn đang được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, từng bước đưa cuộc vận động thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, vị thế các sản phẩm, hàng hóa Việt trên địa bàn tỉnh.
Một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua là các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động tỉnh đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là phát huy vai trò, hiệu quả của công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động trên các trang Web sàn giao dịch thương mại điện tử, zalo, facebook, các điểm bán hàng, tổ chức hội chợ...Ban Chỉ đạo các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động trên 60.000 hộ hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh danh giỏi các cấp gắn với sản xuất thân thiện, bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần làm chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận người dân, giúp người dân hiểu đúng hơn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó có thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đặc biệt, để giúp cho người tiêu dùng nắm bắt được thông tin, có sự chọn lựa, tin tưởng và ưu tiên dùng các sản phẩm trong tỉnh và hàng hóa trong nước sản xuất, 6 tháng qua, toàn tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội chợ OCOP quy mô cấp tỉnh; 1 tuần hàng Việt tại thành phố Uông Bí gắn với hoạt động livestream sản phẩm Vải chín sớm Phương Nam; 1 Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố; cung cấp thông tin 23 chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước đến Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu trên 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 346 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với số lượng khách truy cập khoảng 207.130 nghìn lượt…. Các hoạt động này đang được triển khai đồng loạt, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để hàng Việt không ngừng mở rộng thị trường và khẳng định được vị trí, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp như hỗ trợ, hướng dẫn cấp tài khoản vận hành cho cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn tỉnh đã cấp được 236 tài khoản quản lý, 209 tài khoản vận hành, cấp 1.525 mã QR cho các sản phẩm nông sản, thủy sản tham gia hệ thống trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ thông tin đưa các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử http://postmart.vn; xây dựng “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại website https://qn.check.net.vn/. Cùng với đó là nhiều dự án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP với mức bình quân hỗ trợ từ 200- 300 triệu đồng/dự án. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 417 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn này đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn….
Toàn tỉnh hiện có 5 địa phương gồm: Cẩm Phả, Đông Triều, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Toàn tỉnh cũng đang duy trì hiệu quả 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 54 sản phẩm. Các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh phát triển. Tính đến hết ngày 15/6/2024 các ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 852 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; khởi tố 06 vụ; xử lý vi phạm hành chính 961 vụ, phạt tiền trên 22 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm 2024, các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt cuộc vận động cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, lực lượng vũ trang, người lao động trong toàn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân; tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng "Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về cuộc vận động trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; phát huy hiệu quả thông tin tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội; hệ thống tuyên truyền trực quan; hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Ninh quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến; hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa qua môi trường mạng. Tiếp tục duy trì, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ nằm trong chương trình xúc tiến tại các địa phương đông dân cư và tại các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm kích cầu tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()