Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:16 (GMT +7)
Đẩy mạnh quyền tự chủ trong giáo dục phổ thông
Thứ 2, 29/06/2020 | 14:47:00 [GMT +7] A A
Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, chất lượng giáo dục được nâng lên, nhưng chưa đồng đều. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ giáo dục phổ thông giai đoạn 10 năm tới.
Phát triển nhưng chưa đồng đều
PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, chất lượng giáo dục Việt Nam được cải thiện, một số mục tiêu trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn này đã đạt và vượt chỉ tiêu.
Về bảo đảm tiếp cận giáo dục cho các đối tượng học sinh phổ thông, mục tiêu chiến lược đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học là 99%; THCS là 95%; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT và tương đương; 70% trẻ khuyết tật được đi học.
Thực tế triển khai đến năm học 2019 - 2020, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học là 99,35%; Cấp THCS là 96%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với giáo dục và tham gia học tập chủ yếu học hòa nhập tại các trường tiểu học và THCS tăng lên.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 97,6%, tiểu học 99,8%, THCS 99,1%, THPT 99,7%. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Chỉ số về chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Với giáo dục đại trà, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cả cấp tiểu học, THCS, THPT có xu hướng giảm dần. Trình độ ngoại ngữ tin học của học sinh được cải thiện, một bộ phận học sinh có thể giao tiếp được tiếng Anh và sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.
PGS.TS Lê Anh Vinh, Viện Phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ quan điểm với nhiều hiệu trưởng. Ảnh: HL. |
Đánh giá về các mục tiêu, PGS.TS Lê Anh Vinh, Viện Phó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Cơ hội tiếp cận giáo dục đã được cải thiện nhưng vấn đề này vẫn còn hạn chế về quy mô và mạng lưới giáo dục chưa phát triển đồng đều. Chất lượng giáo dục phổ thông giữa các vùng miền, các đối tượng còn chênh lệch. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên, năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Chìa khóa tự chủ nâng chất lượng
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, mục tiêu của Chiến lược phải tương đồng với Luật Giáo dục 2019. Theo đó, mục tiêu của giáo dục được chuyển từ “Đào tạo con người toàn diện” (theo Luật Giáo dục 2005) sang “Phát triển toàn diện con người Việt Nam”. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành GD&ĐT, còn có trách nhiệm lớn của các địa phương trong đầu tư, cần quan tâm đến giáo dục đào tạo, trách nhiệm của gia đinh và toàn xã hội.
GS Phạm Hồng Quang đề xuất việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục khẳng định: “Tự chủ mới ra được chất lượng. Ở môi trường tự chủ, nhà trường sẽ tạo được ra nhiều giá trị cho học sinh”.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp đề xuất thí điểm tự chủ cho một số trường thực hiện, sau đó sẽ áp dụng đại trà. Cần đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới thi cử đáp ứng mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.
Tuy nhiên, để tự chủ được thì vấn đề đổi mới việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, nhằm khắc phục tình trạng hiện nay, đã được đặt ra. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Phần lớn lãnh đạo trường phổ thông đi lên từ giáo viên và thực hiện việc quản lý, quản trị nhà trường theo kinh nghiệm. Điều này sẽ không hiệu quả nếu thực hiện tự chủ mà không có cán bộ quản lý được đào tạo bài bản.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, định hướng mục tiêu, giải pháp cho giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là “mảnh ghép” quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đáp ứng Luật Giáo dục 2019 và các yêu cầu mới.
Ngành giáo dục sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Triển khai thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông mới, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Đồng thời nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Giải pháp đẩy mạnh giao quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục phổ thông có thể xác định là “điểm nhấn”. Nhưng trong mọi trường hợp vẫn phải lấy chất lượng nhà giáo là gốc, là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển giáo dục phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()