Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:21 (GMT +7)
Siết chặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách
Thứ 4, 27/09/2023 | 12:51:42 [GMT +7] A A
Xe khách không đăng ký kinh doanh, nhưng hoạt động dưới hình thức hội nhóm trên mạng xã hội (zalo, facebook…) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, ANTT, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực vận tải hành khách. Với quyết tâm tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp xử lý.
Sở GT-VT hiện cấp phép và quản lý 2.495 phương tiện vận tải hành khách, trong đó có 246 phương tiện được cấp phù hiệu xe chạy cố định, 910 phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch, 1.204 phương tiện được cấp phù hiệu xe taxi, 135 phương tiện được cấp phù hiệu xe buýt.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện phương thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô của doanh nghiệp, cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải mà hoạt động dưới hình thức hội nhóm trên các trang mạng xã hội về việc đưa đón hành khách tận nơi theo nhu cầu, thu vé trái quy định.
Tình trạng này cũng đang tồn tại trên cả nước nói chung do sự tiện lợi như: Dễ dàng tìm được nguồn khách trên các hội nhóm, dịch vụ nhanh chóng thuận tiện, đưa đón tận nhà, giá thành phù hợp, đặc biệt phương tiện trên hoạt động như xe cá nhân có thể được đi vào những tuyến phố cấm các phương tiện kinh doanh vận tải... nên được nhiều người lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, loại hình hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, ANTT, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trong lĩnh vực vận tải hành khách.
Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều chủ phương tiện vẫn “lách luật” để hoạt động, do công tác xác minh vi phạm của loại hình trên còn gặp nhiều khó khăn. Để ngăn ngừa tình trạng này, Sở GT-VT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và đặc biệt là sự vào cuộc của lực lượng công an các địa phương để triển khai nhiều giải pháp xử lý.
Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng thanh tra Sở GT-VT đã xử phạt vi phạm hành chính 1.640 trường hợp, phạt tiền trên 3,8 tỷ đồng, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 18 trường hợp liên quan đến vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, theo Phó Giám đốc Sở GT-VT Bùi Hồng Minh, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với ngành công an, thuế và các địa phương xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các đơn vị kinh doanh vận tải phát triển. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin các phương tiện kinh doanh vận tải cho UBND cấp huyện để phối hợp quản lý; đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND cấp xã nghiêm túc thực hiện việc tổng hợp những cá nhân có phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải và cung cấp thông tin cho các ngành để phối hợp quản lý.
Giao Trung tâm Sát hạch lái xe và giám sát GT-VT đường bộ triển khai các giải pháp nghiệp vụ để tổng hợp thông tin từ các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội để cung cấp cho cơ quan công an kịp thời xử lý theo quy định. Tiếp tục đề xuất với Bộ GT-VT phối hợp với Bộ TT&TT, Tổng cục Thuế, Bộ Công an định danh toàn bộ tài khoản mạng xã hội, đặc biệt các tài khoản hội nhóm để quản lý, xử lý những cá nhân vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, trật tự ATGT và việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cơ quan nhà nước.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()