Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:59 (GMT +7)
Đẩy mạnh phòng, chống bệnh không lây nhiễm
Thứ 5, 26/12/2024 | 08:26:19 [GMT +7] A A
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra khoảng 41 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 71% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Tại Quảng Ninh, số người mắc các bệnh không lây nhiễm cũng khá lớn. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh không lây nhiễm được đơn vị y tế các tuyến tăng cường thực hiện.
4 loại bệnh không lây nhiễm chính hiện nay là bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ...), ung thư, hô hấp mạn tính (phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...) và đái tháo đường. Để tăng cường phòng, chống các bệnh này, hiện nay ngành Y tế Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn chương trình đo huyết áp và sàng lọc nguy cơ tiểu đường cho người từ 40 tuổi trở lên với tần suất đo huyết áp và sàng lọc được thực hiện 1 lần/năm để phát hiện sớm tăng huyết áp, đái tháo đường. Đồng thời tổ chức một số chương trình sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung...
Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức khám sức khỏe định kỳ, đi khám bệnh sớm để phòng bệnh cũng được đẩy mạnh. Năm 2024, mạng lưới truyền thông - giáo dục sức khỏe gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ quan, đơn vị trong ngành đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, gián tiếp về phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên tất cả các nền tảng.
Riêng năm 2024, toàn ngành thực hiện truyền thông trực tiếp với 12.571 buổi tọa đàm, nói chuyện sức khỏe, 5.730 buổi thảo luận nhóm, 594.572 lượt tư vấn sức khỏe cá nhân. Đồng thời, các đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện 10 chuyên mục truyền hình “Vì sức khỏe cộng đồng”, 20 chuyên mục phát thanh “Sức khỏe là vàng”; truyền thông qua mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok, youtube…) với 12.986 lượt, số lượng người theo dõi các trang mạng xã hội của đơn vị là 461.345 lượt.
Để người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kịp thời nắm bắt thông tin các bệnh không lây nhiễm, ngành y tế còn cấp phát 29.950 tờ rơi, áp phích, 2.000 cuốn sách, bản tin, in 25 pano tuyên truyền về Ngày Thế giới phòng, chống bệnh ung thư (4/2); Ngày Tăng huyết áp (17/5); Ngày Đái tháo đường thế giới (14/11)…
Ngành Y tế của tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động cho nhóm người cao tuổi - nhóm có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm, như: Tư vấn, tuyên truyền tại các trạm y tế xã nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam; duy trì hoạt động CLB Liên thế hệ, qua đó lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các hoạt động của CLB và tại các thôn, bản, khu phố thông qua mạng lưới cộng tác viên.
Hiện nay, phần lớn người từ đủ 60 tuổi trở lên trên địa bàn xã, phường, thị trấn đều được khám bệnh với tần suất ít nhất 1 lần/năm. Năm 2024, trong tổng số 225.742 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có 216.200 người được khám sức khỏe.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh như: Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả… cũng đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh lưu động, nhằm kịp thời phát hiện bệnh tật nói chung, bệnh không lây nhiễm nói riêng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, các đơn vị y tế trên địa bàn đã tổ chức khám, chữa bệnh lưu động cho 19.600 lượt người, số người được tư vấn cấp thuốc là 8.085 người. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện đều có các khoa điều trị nội trú, ngoại trú cho bệnh nhân mắc những bệnh không lây nhiễm.
Bệnh không lây nhiễm được xem là nhóm bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm nếu không khám sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên qua tìm hiểu ở một số bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, nhiều người dân vẫn chủ quan, chỉ đến khám khi đã có những dấu hiệu sức khỏe xuống dốc trầm trọng; vì vậy việc phát hiện các bệnh không lây nhiễm thường ở giai đoạn muộn, đã gây các biến chứng. Trong khi đó, số lượng người mắc bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh chiếm khá nhiều.
Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 74.192 người được phát hiện mắc tăng huyết áp, trong đó có 56.881 người được quản lý, đã có 30.908 người điều trị đạt huyết áp mục tiêu. Có 27.897 người được phát hiện đái tháo đường, trong đó có 23.704 người được quản lý điều trị, các đơn vị cũng đã điều trị đạt đường máu mục tiêu cho 17.714 người.
Việc nâng cao ý thức cho người dân; tiếp tục nâng cao năng lực trong khám, phát hiện các bệnh không lây nhiễm ngay từ tuyến xã là cách phòng, chống tốt nhất bệnh này. Phát hiện sớm bệnh sẽ tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng gây ra bởi căn bệnh này và giảm gánh nặng cho xã hội, cho gia đình về sau.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()