Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:18 (GMT +7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn
Thứ 4, 28/12/2022 | 08:07:46 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện hiệu quả mô hình tăng trường từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, trong đó xác định rõ những lợi ích vô cùng lớn của kinh tế tuần hoàn, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tích cực vào cuộc qua đó không chỉ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, mà còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn mà Quảng Ninh xác định thời gian qua là sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Một số công trình, dự án đã và đang được hoàn thành khi tận dụng nguồn vật liệu sẵn có trong quá trình sản xuất than, qua đó tạo ra hiệu quả kép trong việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đơn cử mới đây tại mặt bằng bãi thải Nam Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai), Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tổ chức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Đây là dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Dự kiến Công ty Chế biến Than Quảng Ninh sẽ cung cấp đất đá thải phục vụ một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh như: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và một số dự án của Tập đoàn Vingroup.
Trước đó, thực hiện Dự án Khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả có tổng diện tích trên 482 nghìn m2, phải cần đến khoảng 3,5 triệu m3 đất đá, Tập đoàn Đầu tư phát triển công nghiệp TTP đã đề nghị nghiên cứu nguồn đất đấ thải ở bãi thải mỏ Tây Khe Sim, mỏ Tây Lộ Trí để làm vật liệu san lấp mặt bằng. Đề xuất đã được Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đồng ý, phê duyệt phương án để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó đã tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án, đảm bảo tiến độ.
Theo TKV, hiện lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh đạt trên 150 triệu m³/năm. Đó là chưa kể hàng chục năm qua, việc khai thác than lộ thiên đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Lượng đất đá này mới sử dụng một phần để lấp lại những moong khai thác, cải tạo các tầng thải, phục hồi môi trường, lượng còn lại là vô cùng lớn. Trong khi đó hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Trung bình mỗi năm, Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.
Có thể nhận thấy rằng, việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án có nhiều lợi ích như giảm độ cao, giảm diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải, giảm việc khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên; hạn chế ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường sống xung quanh. Nguồn đất đá thải tưởng chừng như bỏ đi khi tận dụng cho các dự án còn tạo thêm nguồn ngân sách nhà nước. Đây thực sự là hướng đi phù hợp với mô hình phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh", kinh tế tuần hoàn mà Quảng Ninh đã và đang thực hiện.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()