Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:00 (GMT +7)
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
Thứ 7, 10/08/2024 | 10:09:39 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp lần thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều chất vấn nội dung: Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) bền vững là một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay chưa có nhiều chuyển biến để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Giám đốc Sở Du lịch trả lời:
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo để tập trung cho phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Đồng thời, Sở Du lịch, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng nhiều đề án, kế hoạch, mô hình phát triển du lịch cộng đồng.
Triển khai các chỉ đạo của tỉnh về phát triển du lịch bền vững, thời gian qua các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chung tay, tạo dựng môi trường xanh, phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở miền núi, hải đảo ở các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Bình Liêu, Tiên Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái... với một số mô hình tiêu biểu như: du lịch cộng đồng làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn); mô hình DLCĐ xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), mô hình Hợp tác xã chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, du lịch cộng đồng trải nghiệm Kỳ Thượng Am Váp Farm (TP Hạ Long); mô hình DLCĐ xã Đại Dực (Tiên Yên); các mô hình du lịch homestay trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ như: homestay A Dào, homestay Hoàng Sằn, homestay Hồng Đông (Bình Liêu)...
Với chức năng, nhiệm vụ được tỉnh giao, hàng năm Sở Du lịch đều có các hướng dẫn hỗ trợ các địa phương trong công tác phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, công tác tuyên truyền, tiếp thị mở rộng thị trường. Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương. Trong giai đoạn 2020-2023, đã tổ chức 8 lớp đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 1.200 cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn; Trưởng/phó thôn, bản, khu phố: Chủ các cơ sở lưu trú du lịch; ban quản lý khu, điểm du lịch; các hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư đang tham gia vào hoạt động du lịch tại các huyện, thị xã, thành phố: Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Cô Tô; tổ chức 2 đoàn công tác cho khoảng 50 người là cán bộ phòng chuyên môn và đại diện xã, thôn của một số địa phương có mô hình đang triển khai về phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình và cách thức vận hành, triển khai các hoạt động tham quan, trải nghiệm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại một số tỉnh như Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; phối hợp với tổ chức JICA, Nhật Bản xây dựng thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trên đảo Quan Lạn, Vân Đồn; làm việc và tổ chức các đoàn Famtrip tới các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên... để hỗ trợ phát triển DLCĐ của địa phương.
Bên cạnh đó, cùng với kinh tế nông thôn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai mạnh mẽ đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn: nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
Phát triển du lịch cộng đồng là một nhiệm vụ lâu dài với mục tiêu tạo dựng sinh kế cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do sức ép của phát triển kinh tế nên việc giữ gìn các bản sắc truyền thống về kiến trúc, trang phục, văn hóa, tập quán sinh hoạt của bà con đã có nhiều thay đổi, không có các vùng, các làng, bản với quy mô lớn, bản sắc riêng hấp dẫn DLCĐ.
Các đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động trong hướng dẫn, đôn đốc, tạo các điều kiện cho phát triển DLCĐ bền vững.
Phát triển DLCĐ vẫn còn nhỏ lẻ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa được quan tâm song có nhiều nơi chưa hiệu quả. Thiếu cơ chế và quy hoạch phát triển DLCĐ một cách bền vững, đảm bảo phát huy bảo tồn giá trị văn hóa. Các sản phẩm du lịch trải nghiệm, cảnh quan văn hóa được xây dựng tại mỗi điểm đến, địa phương còn trùng lặp. Kiến thức từ quy hoạch, tổ chức điều hành, vận hành dịch vụ DLCĐ thông qua sử dụng các chuyên gia tư vấn, sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ còn hạn chế.
Nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
Tại khoản 15, Điều 3 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14 định nghĩa: “DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hoá của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi".
Điều 4 của Luật Du lịch 09/2017 về Nguyên tắc phát triển du lịch quy định: “1. Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; 2. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng...”
Phát triển DLCĐ bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến nhiều ngành và địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành trong việc tổ chức thực hiện, sự quyết tâm của các địa phương và người dân tích cực tham gia để chung tay xây dựng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế kết hợp sự hướng dẫn triển khai kịp thời của các bộ, ngành Trung ương.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch, trong đó tập trung chính cho phát triển DLCĐ, du lịch nông nghiệp, dự kiến đề xuất 6 nhóm chính sách. (1). Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 điểm phát triển DLCĐ; (2). Hỗ trợ lãi suất tiền vay từ các ngân hàng để đầu tư, cải tạo nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; (3). Hỗ trợ thành lập đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương có hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh để phục vụ khách du lịch; (4) Hỗ trợ quảng bá du lịch xây dựng bộ nhận diện cho các điểm DLCĐ; (5) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (6). Hỗ trợ phục dựng công trình nhà ở truyền thống của các dân tộc thiểu số nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và cung cấp dịch vụ lưu trú homestay.
Sở Du lịch đề nghị các sở ngành, đơn vị: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Dân tộc tỉnh và UBND các địa phương tiếp tục cùng với Sở Du lịch để triển khai các nhiệm vụ được UBND phân công gắn với phát triển DLCĐ bền vững, trong đó tập trung triển khai thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển DLCĐ khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023 - 2025; Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội - vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; triển khai hoạt động du lịch sinh thái dưới tán rừng tạo sinh kế cho người dân theo quy định tại Điều 12a, Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2028/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững (có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2024): UBND cấp huyện là cơ quan Phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết thành nhóm hộ, tổ hợp tác trường hợp có tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái.
Đề nghị các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng: Chủ động khảo sát, đánh giá các điểm có tiềm năng phát triển DLCĐ tại địa phương; tập trung nguồn lực, kêu gọi hệ thống chính quyền và người dân cùng chung tay xây dựng các điểm DLCĐ có tiềm năng tại địa phương; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển các dịch vụ DLCĐ, về bảo vệ tài nguyên, môi trường văn hóa, môi trường sinh thái, cảnh quan để phục vụ du lịch; vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch - đây là điểm cốt lõi và là tiền đề đầu tiên cho việc phát triển DLCĐ.
Ngọc Ánh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()