Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo
Thứ 3, 21/12/2021 | 09:25:39 [GMT +7] A A
Để giảm bớt khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo. Nhờ đa dạng các giải pháp triển khai, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm đáng kể.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về thực hiện công tác giảm nghèo năm 2021 và nhiều chính sách liên quan. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ngân sách các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình...
Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo, từ đầu tư hạ tầng phục vụ bà con phát triển sản xuất, đến hỗ trợ BHYT, hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện vay vốn để hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Năm 2021, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung 80 tỷ đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm năm 2021.
Đồng thời tỉnh, các địa phương cũng kịp thời triển khai các chính sách của Trung ương về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, qua đó tránh phát sinh hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Năm 2021, có 212.362 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền gần 557 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ từ Quỹ BHTN; hỗ trợ 590 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với số tiền gần 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ 12.372 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 18,558 tỷ đồng...
Các ngành, địa phương còn thực hiện tốt công tác trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 41.800 đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ đột xuất cho 6 trường hợp chết do tai nạn lao động...
Nhiều địa phương linh hoạt triển khai biện pháp giảm nghèo phù hợp với tình hình. Cụ thể, TP Hạ Long đã tặng sổ tiết kiệm cho 20 hộ nghèo và 10 cá nhân thuộc hộ nghèo với số tiền 265 triệu đồng; thực hiện đỡ đầu cho các hộ nghèo; triển khai mô hình “Kho hàng tái sử dụng dành cho người nghèo” để vận động quyên góp, ủng hộ các vật dụng thiết yếu cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, bằng nguồn quỹ người nghèo cấp thành phố, nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, nguồn hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn xã hội hóa... năm 2020 và 9 tháng năm 2021, TP Hạ Long đã hỗ trợ xây mới 81 nhà, sửa chữa 44 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Thành phố còn hỗ trợ lợn giống, gà giống, thức ăn chăn nuôi cho 109 hộ...
Cùng với đó, tỉnh, các địa phương đã lồng nghép chương trình xây dựng nông thôn mới để tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế... cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều một cách bền vững... Năm 2021, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình nông thôn mới lên tới 17.980 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện, xã, 660 tỷ đồng từ ngân sách lồng ghép và 16.920 tỷ đồng từ huy động ngoài ngân sách.
Đến nay, tất cả các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn đều có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã dân đi lại, giao lưu, mua bán hàng hóa. Người dân ở các xã này đều được sử dụng điện lưới quốc gia, được khám, chữa bệnh tại các trạm y tế đạt chuẩn... các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, đáp ứng hơn 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác.
Với các biện pháp triển khai của các cấp, các ngành, các địa phương, số hộ nghèo của tỉnh hiện chỉ chiếm 0,1% (380 hộ), giảm 0,13% so với cuối năm 2020; số hộ cận nghèo là 0,67% (2.504 hộ), giảm 0,39% so với cuối năm 2020.
Mặc dù vậy, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của trung ương, qua rà soát cho thấy, toàn tỉnh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%). Bởi vậy, công tác giảm nghèo bền vững vẫn tiếp tục cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp... trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()