Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:03 (GMT +7)
Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương
Thứ 4, 27/04/2022 | 21:53:10 [GMT +7] A A
Chiều 27/4, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi làm việc thông báo kết quả Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Yên và Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Nội chính Trung ương.
Số liệu phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tăng mạnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, sáng 27/4, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Thông báo nhanh nội dung kết quả phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo cũng như xoay quanh những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm 2022 đến nay, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá là nghiêm túc, bài bản, nền nếp, ráo riết, quyết liệt, đồng bộ, mang lại những kết quả rất quan trọng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu và rút ra nhiều bài học quý cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
Trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ trước năm 2022 và những tháng đầu năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều chủ trương, quy định làm cơ sở, nền tảng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước hết là Quyết định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào tháng 9/2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, trong đó giao thêm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tiêu cực; sau đó là các kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tổng kết kết luận của Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI, XII; Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bộ Chính trị cũng đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị và ban hành Thông báo Kết luận số 12-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, nét mới trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đó là, tại các cuộc họp hằng tháng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có những vụ việc đã được phát hiện, xử lý.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp để xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, xem xét thi hành kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một điểm mới nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian qua, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, đó là có sự công khai, minh bạch trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và xem xét xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Đơn cử như họp lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước đã công khai hình ảnh và nội dung họp, hay Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên cũng được công khai thông báo rộng rãi, kịp thời đến cán bộ, đảng viên thông qua các cơ quan truyền thông báo chí.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là kịp thời.
Cũng liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo đã tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém kéo dài trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc giám định, định giá tài sản tham nhũng. Trong một thời gian ngắn 3 tháng, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo, có đến 20 quyết định giám định, định giá tài sản tham nhũng đã được ban hành.
Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm cũng đã được chú trọng. Trong phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo trong quý I vừa qua, Ủy ban đã thành lập 24 đoàn kiểm tra, cùng với đó Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Thông tin liên quan đến việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, trong quý I/2022, có 125 vụ án, 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị thi hành kỷ luật 14 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 40 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Trong khi cả nhiệm kỳ Đại hội XII, số lượng cán bộ Trung ương quản lý bị xem xét xử lý kỷ luật là 110 đồng chí.
Ngành Thanh tra đã chuyển 65 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 31 hồ sơ, báo cáo kiểm toán cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Những số liệu trên cho thấy nhiều vụ án lớn, dư luận đặc biệt quan tâm, đã được xem xét, xử lý kịp thời. Các vụ án xem xét xử lý, thuộc những lĩnh vực rất quan trọng, trọng yếu, vốn lâu nay nhận được tình cảm trân trọng của dư luận như y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoại giao.
Điểm thứ hai trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực là có sự liên quan của nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn của Trung ương và các địa phương. Thống kê cho thấy, có 24 cán bộ cấp giám đốc sở, Bộ trưởng trở lên, trong đó có 18 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Điểm thứ ba, những vụ án vừa qua cho thấy tham ô, tham nhũng đã mang tính chất tập thể, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với các đối tượng bên ngoài nhà nước.
Theo Phó Trưởng ban Nguyễn Thái Học, tại Phiên họp, Tổng Bí thư cũng như nhiều đồng chí trong Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, trong kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã có sự phối, kết hợp, khớp nối với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng.
“Qua đó, khắc phục cơ bản tình trạng như Tổng Bí thư thường nói là 'cua cậy càng, cá cậy vây' và cũng như Tổng Bí thư nói. Giờ đây, có một cơ quan nào trong các cơ quan, lực lượng đấu tranh chống tham nhũng mà không muốn làm thì cũng không được”, ông Nguyễn Thái Học cho biết.
Cũng theo Phó Trưởng ban này, các địa phương đã có sự chuyển biến rất tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều tỉnh đã ban hành chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, dần khắc phục tình trạng như Tổng Bí thư từng phát biểu đó là “trên nóng, dưới lạnh”.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ ra 4 hạn chế, tồn tại, đó là một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao, phối hợp chưa tốt.
Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập và gần đây lại bộc lộ thêm trong lĩnh vực định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn là khâu yếu...
Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thông tin thêm về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vẫn là một trong những yêu cầu đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Phòng, chống tham nhũng phải gắn liến với chống tiêu cực.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục chú trọng tăng cường sự phối, kết hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó kiểm tra phải đi trước một bước. Từ kiểm tra, để các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện, xử lý vi phạm.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh phải tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Vừa qua, một số địa phương đã làm tốt, nhưng so với yêu cầu phòng, chống tham nhũng trên quy mô cả nước, vẫn còn một số địa phương còn chưa có chuyển biến.
"Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sắp tới, Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh là do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu", ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Ông cũng thông tin thêm, chủ trương tái lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được Bộ Chính trị xin ý kiến tại Hội nghị Trung ương sắp tới. Phát biểu tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư đã đề nghị lãnh đạo các cấp, nhất là các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần thực sự liêm chính, vô tư trong sáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Tổng Bí thư nhấn mạnh, “tay đã nhúng chàm rồi thì không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng được ai hết”.
* Cũng tại buổi làm việc, các Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã giải đáp, làm rõ một số nội dung, vấn đề liên quan mà báo chí quan tâm như việc xử lý các vụ án kinh tế thời gian qua; việc tái lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()