Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:56 (GMT +7)
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính
Thứ 2, 21/10/2024 | 04:55:31 [GMT +7] A A
Xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua, Trung tâm Hành chính công các cấp luôn chú trọng cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số. Nổi bật là đẩy mạnh triển khai việc giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả). Trong tháng 9/2024, kết quả thực hiện số hóa hồ sơ và trả kết quả bản điện tử đạt trên 99%.
Hiện nay các sở, ban, ngành cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 628 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 62,8%) và 372 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 37,2%). Cấp huyện cung cấp 200 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 97 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 48,5%) và 103 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 51,5%). Cấp xã cung cấp 78 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 31 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 39,7%), 47 dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 60,3%).
Trong tháng 9, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh là 5.819/5.863 hồ sơ (đạt 99,2%); cấp huyện là 15.163/15.212 hồ sơ (đạt 99,7%), cấp xã là 12.259/12.285 hồ sơ (đạt 99,8%); tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC qua các hình thức không dùng tiền mặt đạt 100%.
Để tiếp tục tạo sự tiện lợi cho người dân trong thực hiện TTHC, Trung tâm Phục vụ hành chính công đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp công nghệ triển khai mô hình “Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công thông qua tương tác kiosk” đối với 29 TTHC của 3 cấp chính quyền. Khi mô hình này chính thức đưa vào vận hành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, người dân có thể sử dụng kiosk này đăng nhập tài khoản dịch vụ công qua VNeID hoặc số căn cước, nộp thủ tục trực tuyến. Kết quả TTHC sẽ được chuyển về bằng đường bưu điện hoặc kết quả bản điện tử được chuyển vào tài khoản dịch vụ công của người dân.
Việc nỗ lực phổ cập hạ tầng số trên toàn tỉnh cũng góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC ở những địa phương biên giới, miền núi. Tại huyện biên giới Bình Liêu, nhờ việc phổ cập sóng di động 4G (đạt 100%) và điện thoại thông minh (đạt 70%), người dân đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh trong quy trình giải quyết TTHC.
Ông Vi Ngọc Nhất, Giám đốc Trung tâm hành chính công huyện Bình Liêu, cho biết: 100% người dân khi đến Trung tâm hành chính công huyện, hay Bộ phận một cửa cấp xã đều biết sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các TTHC, trong đó nổi bật là dùng điện thoại để tra cứu thủ tục và đăng nhập vào tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia qua ứng dụng VNeID, sử dụng ứng dụng cung cấp thông tin thay cho giấy tờ như căn cước hay thông tin gia đình.
Những hiệu quả đem lại trong việc chuyển đổi số lĩnh vực TTHC đã góp phần tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, và là một trong những yếu tố quan trọng để tỉnh tiếp tục đạt mục tiêu trong lộ trình chuyển đổi số toàn diện tạo sự thuận lợi và hài lòng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việt Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()