Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:40 (GMT +7)
Dạy con, bố mẹ cần là tấm gương
Chủ nhật, 12/12/2021 | 15:26:32 [GMT +7] A A
Các cụ xưa có câu “Nhà dột từ nóc” ý muốn nói về những gia đình bố, hoặc mẹ không làm gương cho con cái để rồi hỏng từ trên xuống dưới. Bởi con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình để bắt chước học theo cách nói năng, cư xử...
Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn, ngày nay trẻ con suốt ngày “cắm đầu” vào điện thoại đến mê mẩn, thậm chí “quên” cả ăn uống. Khi đam mê quá các trò chơi trên điện thoại, hay vi tính hầu như tính cách của đứa trẻ cũng thay đổi nhiều, chúng sống ít thực tế và lúc nào cũng gần như người sống trên mây. Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ cũng nên suy nghĩ lại, tôi đã chứng kiến nhiều bà mẹ thường dỗ con bằng điện thoại, ngay cả khi cho đứa trẻ ăn bột cũng phải có cái điện thoại được mở ra chúng mới chịu ăn và đứa trẻ được bố mẹ hướng việc “đam mê” điện thoại từ khi chúng còn bé tí.
Ngày nay xã hội phát triển nhanh, hầu hết các gia đình đều bận rộn, bố mẹ mải lo toan cuộc sống, nên đôi khi nhiều việc giáo dục con cái đều trông mong vào nhà trường. Thế nhưng dù nhà trường có dạy dỗ đến đâu, mà bố mẹ, hay người lớn trong gia đình không làm gương thì cũng khó mà hiệu quả. Khi ở trường, trẻ được học tập về an toàn giao thông như: Đội mũ bào hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, không vượt đèn đỏ…Thế nhưng khi bố mẹ đi đón con hay đưa con đi học lại không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy thì những bài dạy của các thầy cô ở lớp đâu có tác dụng gì. Nhiều vị phụ huynh khi chở con nhỏ vẫn vô tư vượt đèn đỏ, leo xe máy lên vỉa hè…Vậy thử hỏi, những đứa trẻ ngồi đằng sau sẽ nghĩ thế nào về hành vi của bố mẹ chúng, ngược lại với những gì chúng học được ở nhà trường.
Trong những năm gần đây, ở các địa phương khó khăn của tỉnh ta, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa nghèo, xóa mù chữ đã được thực hiện rất tốt. Từ sự quan tâm của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trường học, giúp người nghèo vay vốn…nhưng cũng phải kể đến nhiều ông bố, bà mẹ lớn tuổi đã tình nguyện làm gương cho con cái.
Huyện Bình Liêu theo con số thống kê năm 2014, thì số người mù chữ ở độ tuổi 15 - 60 tuổi là 2.306 (chiếm tỷ lệ 11,6%). Từ năm 2014, các cấp ủy đảng, chính quyền vận động người dân xóa mù chữ và ngành giáo dục tổ chức nhiều lớp xóa mù và đến nay, tỷ lệ người mù chữ đã dần trở về con số 0. Khi đến các lớp xóa mù chữ, tôi được chứng kiến những ông bố, bà mẹ tuổi đã cao vẫn tham gia các lớp học để làm gương cho con cháu.
Một lần, tôi đến tìm hiểu về lớp xóa mù chữ ở thôn Khuổi Luông, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu. Trong lớp học, một người đàn ông tóc đã bạc đang cắm cúi trên trang sách, đó là ông Chìu Phúc Mìn, 57 tuổi, sống ở thôn Khuổi Luông. Ông Mìn đã có chứng chỉ xóa mù chữ cấp độ 1, nay ông lại tiếp tục học cấp độ 2. Có người trong thôn bảo: “Già như bác rồi còn học để làm gì”, ông Mìn đáp lại: “Học để làm gương cho con”. Ông nói thế, bởi trong lớp có anh con trai ông Mìn đã 30 tuổi cũng tham gia lớp xóa mù. Gia đình ông Mìn từ đời cha đến đời con đều là hộ nghèo cũng vì không biết chữ. Vậy là ông Mìn tham gia lớp xóa mù chữ, vừa học vừa là để hàng ngày quản lý anh con trai tốt hơn. Ông cũng yêu cầu lớp học xếp cho con trai mình chỗ ngồi bàn trên để anh nghe, nhìn cho rõ. Đời ông Mìn cuộc sống còn khó khăn không biết chữ đã đành. Bây giờ Bình Liêu đổi mới nhiều rồi, trường học khang trang, đường giao thông cứng hóa đến tận cửa nhà, nên chẳng có lý do gì mà trẻ tuổi cũng mù chữ. Không biết chữ thì bao giờ mới xóa được nghèo.
Trước đây một thời ở thôn Tân Lập, xã Quan Lạn (Vân Đồn) luôn có tới 100% hộ nghèo, việc tuyên truyền đã nhiều nhưng kết quả không cao. Năm 2010, Tân Lập có hộ đầu tiên thoát nghèo không phải là thanh niên mà lại là ông già đã gần 70 tuổi. Ông tình nguyện ra khỏi hộ nghèo với mục đích để lũ thanh niên trong làng nhìn vào đó mà ngẫm lại, cớ sao người già làm ăn thoát được nghèo mà thanh niên lại nghèo?. Đến nay, Tân Lập đã không còn hộ nghèo mà lại có nhiều hộ khá.
Như vậy, khi người lớn trong gia đình gương mẫu, đó là tấm gương gần nhất để những đứa trẻ nhìn vào tự soi mình và nó có tác dụng rất hiệu quả.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()