Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 11:29 (GMT +7)
Đầu xuân về Vân Đồn tham quan, chiêm bái
Thứ 3, 31/01/2023 | 09:09:15 [GMT +7] A A
Đến Vân Đồn, đi đền Cặp Tiên, đền Vua Lý Anh Tông, chùa Cái Bầu, cầu sức khỏe, bình an, tham gia những trò chơi dân gian, lắng nghe những câu chuyện kể. Đây cũng là tuyến du lịch tâm linh hút du khách thập phương đến với Vân Đồn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Khai hội vào sáng mùng 6 Tết, đền Cặp Tiên còn gọi là “Đền Cô Bé Cửa Suốt” tọa lạc ngay đầu cầu Vân Đồn, nằm trong quần thể di tích đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử năm 1989.
Tương truyền, đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng (một vị tướng và là con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) nên có tên gọi là đền Cô bé Cửa Suốt. Sau này, vào thời Nguyễn, một ông Quan chánh đã được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần và thờ tại đền nên xưa kia đền còn có tên gọi khác là đền Quan Chánh.
Ông Hoàng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá, Phó Ban Quản lý di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên cho biết: Lễ hội đền Cặp Tiên được tổ chức hằng năm như một hoạt động đặc biệt để báo ơn những vị anh hùng dân tộc, những người có công dẹp giặc, khai phát đất đai và thờ Mẫu, đồng thời cũng là dịp để nhân dân cầu khấn cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, phát tài sai lộc, quốc thái dân an. Đây cũng là nghi lễ mở đầu cho một năm mới và trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của nhân dân xã Đông Xá nói riêng, nhân dân huyện Vân Đồn cùng du khách thập phương nói chung.
Rời đền Cặp Tiên, du khách có thể ghé đền thờ vua Lý Anh Tông, nằm ở vị trí đắc địa giữa vùng nước sơn thuỷ hữu tình, thuộc khu 9, thị trấn Cái Rồng. Theo sử sách, Hoàng đế Lý Anh Tông (con trai trưởng của Vua Lý Thần Tông), từ rất trẻ đã 2 lần đến Vân Đồn. Năm 1149, Vua đi thị sát một vùng duyên hải từ đảo Cát Bà đến Móng Cái và dừng lại nghỉ trên khu đảo Vân Đồn, ban chiếu thành lập thương cảng Vân Đồn. Nơi đây, dân đã mượn núi rồng mẹ để lập đài đón vua, cảm tạ ân đức của Ngài. Tương truyền khi thuyền của vua về kinh đô, người dân đã giữ nguyên thảo am quán đài, nơi vua ngự tiếp thần dân làm kỷ niệm và lập đền thờ vua Lý Anh Tông. Thương cảng Vân Đồn từ đó cũng phát triển sầm uất kéo dài gần 5 thế kỷ.
Đền thờ vua Lý Anh Tông giờ đây đã trở thành một trong những điểm nhấn văn hóa tâm linh của huyện Vân Đồn. Bà Đào Thị Thắng, khu 1, thị trấn Cái Rồng cho biết: Đối với người dân địa phương như chúng tôi, đền rất thân quen, gần gũi, chở che bao đời. Chẳng cần đi đâu xa, chúng tôi thường tới đây chiêm bái, cầu bình an, mưa thuận gió hòa, mỗi dịp lễ tết, ngày rằm, mùng 1 hằng tháng, về đây, thấy tâm mình bình an.
Cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng 11km, chùa Cái Bầu (còn có tên gọi Thiền viện Giác Tâm) tọa lạc ở thôn 1, xã Hạ Long, được xây dựng trên nền ngôi chùa Phúc Linh Tự, một chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Vùng đất linh thiêng này là nơi ghi dấu những chiến công của nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược thế kỷ XIII.
Chị Hoàng Thị Thảo, du khách Bắc Giang chia sẻ: Thật tuyệt vời khi nơi đây còn giữ được nguyên vẹn không khí tôn nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật. Trong khuôn viên nhà chùa, chúng tôi không thấy có hoạt động bán hàng, chèo kéo du khách. Đến chùa Cái Bầu mà không thưởng thức cơm chay tại đây, tôi thấy là một sự hối tiếc rất lớn khi ra về.
Trên cung đường du xuân Vùng mỏ, những điểm đến tâm linh tọa lạc tại huyện Vân Đồn cũng luôn là nơi thu hút du khách hành hương, họ đến để cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu cho một năm thuận buồm xuôi gió, tìm hiểu sự tích để trân trọng hơn những nơi đã qua, trên hành trình tìm về bản ngã của chính mình nơi cửa Phật.
Khánh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()