Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 (GMT +7)
Đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Hạ Long
Thứ 3, 07/06/2022 | 06:23:49 [GMT +7] A A
Đầu năm 2020, huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long. Ngay sau khi sáp nhập, thành phố luôn coi trọng chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), qua đó góp phần thu hẹp chênh lệch giữa khu vực đô thị và các xã nông thôn, khu vực vùng cao trên địa bàn.
Hiện, Hạ Long có 33 phường, xã, trong đó có 12 xã. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững tại các xã với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tích cực, chủ động của người dân. Thành phố định hướng tiêu chí đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; mở rộng vùng sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn, các loại cây dược liệu, cây ăn quả, các loại hoa, trang trại, khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao.
Đối với các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố tập trung hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩn OCOP, hình thành các thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường.
Để thực hiện, thành phố huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng NTM lên đến 1.156.992 triệu đồng trong năm 2020 và 2021; trong đó ngân sách Nhà nước 229.732 triệu đồng, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách 927.268 triệu đồng, nhân dân góp 16.808 triệu đồng. Năm 2022, thành phố cân đối, bố trí 88.300 triệu đồng để thực hiện đầu tư các dự án, công trình hạ tầng nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM.
Đồng thời, nhằm tiếp tục nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM tại các xã, năm 2020-2021, thành phố Hạ Long đã bố trí 212.521 triệu đồng (gồm nguồn vốn nông thôn mới do tỉnh phân bổ, nguồn vốn lồng ghép Đề án 196, vốn đầu tư công của thành phố) để đầu tư các công trình hạ tầng các xã, như: sửa chữa và xây mới Nhà văn hóa xã, thôn tại xã Vũ Oai, Tân Dân, Sơn Dương, Đồng Sơn, Đồng Lâm; xây dựng trụ sở UBND xã, trạm y tế tại xã Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai, Lê Lợi; xây dựng trường học tại xã Kỳ Thượng, Hòa Bình, Đồng Lâm... Năm 2022, thành phố cũng đã bố trí 32.500 triệu đồng để hoàn thiện tiêu chí trường học tại xã Thống Nhất và Vũ Oai.
Bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, Hạ Long còn huy động xã hội hóa 320 triệu đồng trong năm 2021 để hỗ trợ các xã triển khai nuôi gần 27.000 con gà Tiên Yên thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện các hộ dân tại các xã đang tiếp tục nuôi tái đàn để tiêu thụ trong năm 2022. Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với Sở NN&PTNT hỗ trợ xây dựng vùng trồng ổi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sơn Dương. Hiện tại đã có 45 hộ với 9ha đã được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Bên cạnh đó người dân trên địa bàn các xã chủ động còn liên kết với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Từ phong trào xây dựng NTM, mỗi thôn, mỗi hộ gia đình và mỗi người dân của Thành phố Hạ Long đã tích cực, chủ động trong phát triển kinh tế, không chỉ để thoát nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ năm 2020 - 2021, trên địa bàn thành phố đã có 52 thôn, 295 vườn, 2.466 hộ NTM kiểu mẫu. Năm 2022 này có 7 thôn, 37 vườn, 641 hộ đăng ký NTM kiểu mẫu. Đến nay, thành phố có 69 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó, có 31 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao đến 5 sao. Ngoài ra, thành phố bố trí trên 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các đơn vị tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương; phối hợp với Trung tâm kinh doanh VNPT - Quảng Ninh hỗ xây dựng website cho các đơn vị tham gia chương trình OCOP trên địa bàn thành phố.
Với công tác lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, sự vào cuộc với tinh thần quyết tâm quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chủ động của người dân, đến nay 12/12 xã của thành phố Hạ Long đã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Dân Chủ, Thống Nhất, Lê Lợi, Sơn Dương). Thu nhập bình quân đầu người của 12 xã trên địa bàn thành phố năm 2021 đạt 61,24 triệu đồng/người/năm, tăng 2,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2020 (cao hơn 9,34 triệu đồng/người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh). Đến hết năm 2021, các xã của Hạ Long không còn hộ nghèo theo tiêu chí trung ương. Hiện nay, Hạ Long đang lập hồ sơ đề nghị tỉnh, Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Ngọc Khánh (TP Hạ Long)
Liên kết website
Ý kiến ()