Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:58 (GMT +7)
Đầu tư kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số
Thứ 5, 19/09/2024 | 05:00:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 162.531 người là dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống thành cộng đồng, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn. Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của nhân dân, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển KT-XH ở khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở vùng này.
BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Từ năm 2021 đến 2024, tổng kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh đã bố trí cho các cơ quan, đơn vị khối tỉnh thực hiện Chương trình lồng ghép với các chương trình khác là 16.867,783 triệu đồng; tổng kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện thực hiện Chương trình là: 455.167 triệu đồng; tổng kinh phí ủy thác cho vay qua Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện Chương trình 300.000 triệu đồng.
Quảng Ninh ưu tiên dành nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án và các chương trình, kế hoạch, trong đó giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư.
Qua đó, toàn tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn Chương trình; tiếp tục đẩy mạnh các dự án giao thông thực hiện qua Đề án tổng thể phát triển giao thông nông thôn… Ngoài ra, các đoàn thể, đơn vị, địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông ở xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới được nhựa hoá hoặc bê tông hoá đường ô tô rộng đẹp; 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí NTM.
Ông Phàn A Ửng, bản Sán Cáy, xã Quảng Sơn (Hải Hà) cho biết: Nhờ hệ thống đường giao thông liên thôn được nhựa hóa, bà con đi lại, bán con lợn, con gà, bán gỗ rừng trồng khai thác cũng dễ dàng hơn nên đời sống bà con ngày càng khấm khá.
Không chỉ quan tâm đến hệ thống giao thông nông thôn, các địa phương còn triển khai xây dựng trung tâm Văn hóa - Thể thao ở các xã chưa có hoặc không còn sử dụng được. Đến nay, 100% các thôn, bản vùng đồng bào DTTS có Nhà văn hóa. Đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện.
Đồng thời, để đảm bảo các sinh hoạt thiết yếu của người dân, hạ tầng nước sinh hoạt, điện, viễn thông cũng được tỉnh quan tâm, tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhiều công trình cấp nước phân tán… Qua đó đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng và phát sóng viễn thông 54/54 trạm, phủ lõm sóng 66/66 thôn. Tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 99,8% các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 100% các thôn, bản trên địa bàn xã đã được phủ sóng điện thoại di động… 100% số hộ dân ở các xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.
Quảng Ninh còn tiếp tục hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. Cả 64/64 xã DTTS miền núi có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Việc đầu tư cho giáo dục vùng DTTS và miền núi cũng được tỉnh chú trọng. Riêng năm 2023 đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng; trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông, lộ trình đến năm 2025 dự kiến có 22 trường. Đến nay, đã khánh thành, đưa 3 trường vào sử dụng, trong đó có 2 trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của 7 địa phương đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh ở mức khá. Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt mức cao so với vùng DTTS của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh và bền vững.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()