Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:26 (GMT +7)
Đầu tư có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu năm 2024
Thứ 5, 11/01/2024 | 16:04:29 [GMT +7] A A
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp nhưng nguy cơ suy thoái đã giảm bớt, đồng thời đưa ra khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng.
GDP toàn cầu có thể tăng 2,4% trong năm nay - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, công bố hôm 9.1.
Dự báo này thấp hơn so với mức 2,6% vào năm 2023; 3% vào năm 2022 và 6,2% vào năm 2021 khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Tuy nhiên, WB cho biết, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt nhờ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ sau khi phục hồi đáng ngạc nhiên vào năm 2023.
Reuters dẫn lời Phó Kinh tế trưởng Ayhan Kose của WB phát biểu với báo giới rằng, tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2024 sẽ thấp hơn so với giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 và suy thoái vào đầu những năm 2000.
WB cho biết, nếu loại trừ sự suy giảm do đại dịch năm 2020, tốc độ tăng trưởng năm nay được coi là yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn một chút ở mức 2,7%, nhưng con số này thấp hơn so với dự báo tháng 6 là 3%.
Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB cho hay, nếu không có sự điều chỉnh lớn, "những năm 2020 sẽ trôi qua như một thập kỷ cơ hội bị lãng phí”. Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc kẹt trong bẫy, với mức nợ tê liệt và gần 1/3 dân số thế giới khó có khả năng tiếp cận thực phẩm đầy đủ.
Triển vọng mờ nhạt của năm nay được đưa ra sau khi tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ước tính cao hơn 0,5% so với dự báo hồi tháng 6 do nền kinh tế Mỹ vượt trội nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% vào năm 2023, cao hơn 1,4% so với ước tính hồi tháng 6. WB dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay sẽ chậm lại còn 1,6% do chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh tiết kiệm giảm, nhưng con số này vẫn cao gấp đôi so với ước tính hồi tháng 6.
Bức tranh của khu vực đồng euro ảm đạm hơn đáng kể, với mức tăng trưởng năm nay được dự báo là 0,7% sau khi giá năng lượng cao dẫn đến mức tăng trưởng chỉ 0,4% vào năm 2023. Các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đã khiến triển vọng năm 2024 của khu vực này bị giảm 0,6% so với dự báo tháng 6 của WB.
Trung Quốc cũng được dự báo tăng trưởng 4,5% vào năm 2024 - mức tăng trưởng chậm nhất trong hơn ba thập kỷ ngoài những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch là 2020 và 2022. Dự báo đã bị giảm 0,1% so với tháng 6, phản ánh chi tiêu tiêu dùng yếu hơn trong bối cảnh khu vực bất động sản tiếp tục bất ổn, với mức tăng trưởng năm 2025 sẽ chậm lại còn 4,3%.
Nhóm thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm nay, giảm từ mức 4,0% vào năm 2023 và thấp hơn 1% so với mức trung bình của nhóm này trong những năm 2010.
Với Việt Nam, WB dự báo sau 1 năm trì trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến, sẽ phục hồi lên mức 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. Nhu cầu trong nước được kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức thấp.
Ngân hàng Thế giới cho biết, cách thức để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, là đẩy nhanh khoản đầu tư hằng năm trị giá 2,4 nghìn tỉ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
WB đã nghiên cứu tốc độ tăng tốc đầu tư nhanh chóng và bền vững ít nhất 4% mỗi năm và nhận thấy chúng thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, sản lượng sản xuất và dịch vụ cũng như cải thiện vị thế tài chính của các quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được sự tăng tốc như vậy nhìn chung đòi hỏi phải có những cải cách toàn diện, bao gồm cải cách cơ cấu để mở rộng dòng chảy tài chính và thương mại xuyên biên giới, cũng như cải thiện khuôn khổ chính sách tài chính và tiền tệ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()