Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:14 (GMT +7)
Đầu tư cho vùng cao của Hạ Long
Thứ 6, 21/06/2024 | 07:45:05 [GMT +7] A A
Là thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long được tỉnh ưu tiên phát triển về mọi mặt. Nhất là khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long thì thành phố bước sang một giai đoạn mới, một hành trình mới, cơ hội mới để phát triển. Trong đó, ngoài phát triển đô thị trọng điểm, Hạ Long còn chú trọng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chắc hẳn người dân Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng chưa thể quên được niềm vui, sự hân hoan khi ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, trong đó huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào TP Hạ Long.
Để Hạ Long phát triển xứng tầm, tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long đã tập trung triển khai các dự án, công trình mang tính chiến lược, động lực, xây dựng các quy hoạch, phát triển hạ tầng đảm bảo tính kết nối, tầm nhìn xa, tư duy mới, đột phá, tạo diện mạo mới, hiện đại cho Hạ Long. Tiêu biểu phải kể đến như cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh… đã mở rộng không gian phát triển cho Hạ Long.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, mục tiêu xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc Vịnh Cửa Lục, khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao.
Thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển, kể từ khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của Hạ Long cũng từng bước phát triển mạnh mẽ. Khu vực nông thôn của thành phố có 12 xã, trong đó 11 xã ở vùng cao miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, TP Hạ Long đã và đang quan tâm tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tiêu biểu như Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn; Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường tỉnh 342 đoạn từ nút giao cầu vượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm. Đây là 2 dự án giao thông nổi bật, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng cường liên kết vùng trên địa bàn huyện Hoành Bồ (cũ).
Kể từ khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long đến nay, TP Hạ Long đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư trên 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những dự án, công trình đã đem lại làn gió mới để người dân vùng khó của Hạ Long có động lực phát triển, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Thực tế cho thấy, hiện TP Hạ Long là địa phương duy nhất của tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương giai đoạn 2021-2025. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn đạt trên 73,1 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Để Hạ Long tiếp tục phát triển, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thành phố dự kiến sẽ đầu tư tiếp khoảng 40 dự án từ nay đến năm 2025, qua đó tạo động lực, mở rộng không gian phát triển mới cho Hạ Long.
Tin tưởng rằng, với việc Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, cùng những dự án, công trình đã và đang được Hạ Long triển khai thực hiện sẽ là động lực, đòn bẩy mạnh mẽ để thành phố phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()