Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:40 (GMT +7)
Đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ 2, 11/03/2024 | 10:30:52 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây tỉnh Quảng Ninh có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Chính vì thế, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành thách thức lớn đối với địa phương.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Quảng Ninh đã lập, triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực cấp huyện và ban hành kế hoạch triển khai.
Để nâng cao tay nghề cho người lao động, tỉnh luôn chú trọng mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên lĩnh vực ngành nghề đang thiếu, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi, đặc thù thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện thu hút các đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu của người học và theo kịp yêu cầu thực tiễn, công tác đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước tổ chức hoạt động đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Bên cạnh các cơ sở đào tạo công lập, tỉnh khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo, với nhu cầu của thị trường lao động. Trong số 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau. Hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới trên 36.000 người.
Các yếu tố về nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ngành nghề phải phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn lý thuyết với thực hành cũng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng.
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH cũng quan tâm phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tổ chức tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, chú trọng công tác phân loại, hướng nghiệp học nghề cho học sinh, nhất là khu vực vùng khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tiếp cận học sinh để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn chọn ngành, chọn nghề; tạo điều kiện cho học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm về nghề nghiệp ngay tại nơi tư vấn.
Bằng nhiều giải pháp, liên tục trong nhiều năm, Quảng Ninh luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, là địa phương có đà tăng trưởng nhanh, hướng đến một nền dịch vụ, công nghiệp hiện đại, Quảng Ninh hiện vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Quảng Ninh là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, tập trung đông đảo lực lượng lao động, do đó việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()