Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:15 (GMT +7)
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ 3, 27/06/2023 | 13:48:32 [GMT +7] A A
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thực hiện tinh thần “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ trương phòng ngừa là biện pháp hàng đầu đi đôi với phát hiện xử lý tham nhũng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, trong đó tập trung giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai với phương châm nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBCCVC đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là những quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác này. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo phổ biến, tuyên truyền sâu sắc nội dung, giá trị cốt lõi của Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm đem lại kết quả rõ ràng, thiết thực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương.
Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức quán triệt đến các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng, ban hành các quy chế, sử dụng tài sản công, quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công tác tổ chức, quy hoạch cán bộ, phân công nhiệm vụ cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý…
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã thực hiện nghiêm việc niêm yết, công khai các chính sách, quy trình, TTHC trên cổng thông tin điện tử. Các sở, ngành, địa phương đã thiết lập, công bố danh sách, số điện thoại, thiết lập đường dây “nóng” nhằm kịp thời tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Căn cứ các quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 226 trường hợp.
Các cơ quan, đơn vị cũng nghiêm túc triển khai Kế hoạch số 270-KH/TU (ngày 5/4/2019) của Tỉnh uỷ thực hiện Quy định số 11-Qđi/TW (ngày 18/2/2019) của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Từ hoạt động này, các đồng chí lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã kịp thời nắm bắt những tâm tư, kiến nghị của người dân, từ đó kiến nghị lên cấp trên và kịp thời chỉ đạo, giải quyết triệt để các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết KNTC. Qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết KNTC tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm giám sát đối với công tác phòng chống tham nhũng; tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật đến mọi tầng lớn nhân dân, CBCCVC-NLĐ trong tỉnh.
6 tháng đầu năm 2023, Thanh tra tỉnh và thanh tra các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã triển khai 99 cuộc thanh tra, kiểm tra (30 cuộc năm 2022 chuyển sang). Kết quả, đã ban hành kết luận 39 cuộc thanh tra, 1 báo cáo kết quả kiểm tra. Qua kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi về NSNN trên 6,925 tỷ đồng; kiến nghị giảm trừ quyết toán trên 5,734 tỷ đồng; kiến nghị khác về kinh tế gần 34 tỷ đồng và 45.000m2 đất; kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với 37 tập thể, 22 cá nhân; kiến nghị thu hồi 1 dự án…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị đã triển khai 11 cuộc thanh tra trách nhiệm; ban hành kết luận 5 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã kiến nghị các đơn vị khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong tiếp công dân, giải quyết KNTC và tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng; kiến nghị thu hồi về NSNN trên 1,8 tỷ đồng, kiến nghị khác về tiền trên 906 triệu đồng; kiến nghị xem xét kiểm điểm trách nhiệm 6 tập thể.
Bên cạnh đó, thanh tra các sở đã triển khai 267 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên trên các lĩnh vực, như: Bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩn, kinh doanh dược phẩm, sản xuất giống cây trồng nông nghiệp… Qua đó, phát hiện, xử phạt hành chính đối với 1.214 trường hợp, tổng tiền xử phạt vi phạm trên 7,1 tỷ đồng, xử lý tài sản vi phạm trị giá trên 119 triệu đồng; tước quyền sử dụng có thời hạn 10 giấy phép lái xe và nhiều nội dung kiến nghị xử lý khác, như: Tịch thu lâm sản và tang vật vi phạm lĩnh vực thuỷ sản, thu hồi phù hiệu đơn vị vận tải…
Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản bị thất thoát, thiệt hại do tham nhũng được nâng cao; bảo đúng quy định, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Qua đó, đã tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Nguyễn Huế
- Họp Thường trực BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
- Sơ kết 1 năm hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
- Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở
Liên kết website
Ý kiến ()