Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:49 (GMT +7)
Dầu thô lao dốc, giá xăng sẽ giảm thêm 3.000 đồng/lít?
Thứ 6, 15/07/2022 | 15:08:19 [GMT +7] A A
Trước tình hình giá dầu thế giới lao dốc mạnh, nhiều doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục đi lùi trong kỳ điều hành ngày 21/7.
Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thô thế giới ngày 14/7 tiếp tục lao dốc. Cụ thể, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã rơi xuống mức thấp nhất trong 4 tháng. Cụ thể, tính đến 17h15, giá dầu thô Brent ở mức 97,68 USD/thùng, giảm gần 2% so với một ngày trước đó. Đây là mức thấp nhất của loại hàng hóa này kể từ hôm 17/3.
Trong khi đó, dầu WTI được giao dịch quanh ngưỡng 94 USD/thùng, giảm 2,44% so với 24 giờ trước đó, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 11/4. Theo các nhà phân tích của Citigroup, dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 18 lần điều chỉnh, cụ thể có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Sau kỳ điều hành vừa qua, các mặt hàng xăng đã xuống dưới 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3.
Tiếp tục đà giảm
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 13/7 tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 114,45 USD/thùng; xăng RON 95 là 120,55 USD/thùng.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 128,7 USD/thùng xăng RON 92; 136,53 USD/thùng xăng RON 95 và 146,7 USD/thùng dầu diesel.
Trao đổi với Zing, theo các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh xăng dầu cho biết sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7, giá các mặt hàng này tiếp tục có xu hướng giảm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết đến ngày 14/7 giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore ở mức 112,9 USD/thùng với xăng RON 95; 108,26 USD/thùng với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) và 134,23 USD/thùng với dầu diesel.
Chính vì vậy, dự kiến giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành tới tiếp tục giảm mạnh. Căn cứ số liệu ngày 14/7, giá xăng có thể giảm tương ứng khoảng 1.500-2.000 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 1.000 đồng/lít.
Từ nay đến ngày điều chỉnh giá mới, tức 7 ngày nữa, nếu giá dầu thô tiếp tục lao dốc thì giá xăng dầu trong nước sẽ không dừng ở mức giảm này. Ngược lại, nếu giá quay đầu tăng thì giá xăng trong nước có thể giảm ít hơn.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự đoán giá xăng dầu trong nước sẽ giảm. "Về kỳ điều chỉnh ngày 21/7 sắp tới, trong điều kiện giá dầu thô duy trì mức giảm mạnh như hiện nay thì giá bán lẻ xăng sẽ lùi thêm khoảng 2.000-3.000 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.200-1.700 đồng/lít", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Theo nhiều đại lý, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, hiện mức chiết khấu đã tăng lên ở mức 2.000-3.000 đồng/lít đối với xăng, dầu. Đồng thời, nguồn hàng cũng cải thiện hơn trước.
Vẫn cần giảm thêm thuế
Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã có mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, hơn 3.000 đồng/lít, so với đầu năm, giá xăng, dầu vẫn đang đắt hơn khoảng 4.621-8.360 đồng/lít, tùy loại.
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia lo ngại giá xăng dầu trong nước đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức cao và có thể quay đầu tăng trở lại bởi tình hình chính trị vẫn có nhiều bất ổn, giá dầu thô diễn biến khó lường. Đặc biệt, với mức tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải, sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
"Tinh thần là nếu tình hình bình thường thì xử lý theo tình huống bình thường, cần cấp bách thì xử lý theo tình huống cấp bách", ông nhấn mạnh.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hoặc thuế nhập khẩu.
"Bởi các loại thuế này là thuế tương đối, có thể linh hoạt điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới. Đặc biệt sẽ có tác dụng giảm giá bán lẻ xăng dầu nhiều hơn thay vì giảm các loại thuế tuyệt đối như thuế bảo vệ môi trường", ông nói với Zing.
Một số chuyên gia cũng cho rằng cần kiến nghị Quốc hội có giải pháp đặc biệt, khẩn cấp như trao quyền cho Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội hay triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định ngay giảm thêm một số loại thuế xăng dầu thuộc thẩm quyền Quốc hội chứ không thể chờ đến tháng 10-11.
Hiện nay, đà giảm của giá dầu thô thế giới đã kéo dài 2 tuần do lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng phình to, ngay cả khi nguồn cung dầu thô vẫn eo hẹp vì xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.
"Nếu không có sự gián đoạn nguồn cung lớn, giá dầu có thể vẫn duy trì dưới ngưỡng 100 USD/thùng trong một thời gian, cho đến khi triển vọng nhu cầu được cải thiện", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận.
Từ 0h ngày 11/7, sau khi áp dụng giảm thêm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.110 đồng/lít còn 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít còn 29.670 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 2 sau bảy lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu trong nước.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()