Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:03 (GMT +7)
Đấu kiếm Quảng Ninh: Tin vào tương lai
Thứ 7, 22/07/2023 | 07:53:06 [GMT +7] A A
Mặc dù mới được phát triển ở Quảng Ninh, nhưng bộ môn đấu kiếm đã phần nào khẳng định mình tại các giải đấu quốc gia và đặc biệt là tỏa sáng ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022. Qua đó, trình làng một số gương mặt đầy triển vọng cho các đội tuyển quốc gia.
Đấu kiếm mới được luyện tập và phát triển ở Quảng Ninh từ năm 2019, tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 bộ môn này khiến người hâm mộ Vùng mỏ bất ngờ khi giành được tấm HCV nội dung đồng đội kiếm liễu nữ và 2 HCĐ ở nội dung đồng đội kiếm liễu nữ, nam. Đây là kết quả ngoài mong đợi, bởi đấu kiếm Quảng Ninh còn quá non trẻ trước các đoàn mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đồng thời cũng chứng tỏ tiềm năng của môn thể thao olympic này ở Quảng Ninh.
Tuy nhiên, dù là môn thể thao trong hệ thống thi đấu olympic, được phát triển mạnh mẽ, cùng thành tích ngày càng cao của đội tuyển quốc gia, nhưng tại Quảng Ninh bộ môn này còn xa lạ với nhiều người, chưa được biết tới nhiều như một số môn thể thao truyền thống khác.
Đấu kiếm có đặc thù là tuyển sinh muộn hơn nhiều môn khác, VĐV được tuyển chọn ở lứa tuổi 10-12 và cần có tư duy thông minh, hoạt động toàn diện, phản xạ nhanh. Về thể hình, ưu tiên sải tay dài, có chiều cao tốt.
"Nhiều khi tuyển chọn được đối tượng ưng ý, nhưng phụ huynh, thậm chí bản thân người được chọn lại không đồng thuận. Sở dĩ có chuyện này bởi nhiều người còn chưa rõ về môn thể thao này, cho rằng đây là môn nguy hiểm. Trên thực tế, môn thể thao olympic này sử dụng các loại kiếm dẻo, mảnh, đều là các dụng cụ nhập khẩu, có gắn thiết bị điện tử để tính điểm, ngoài ra còn có giáp bảo hộ VĐV tập luyện và thi đấu" - HLV Trần Văn Hải chia sẻ.
Do việc nhập khẩu dụng cụ tập luyện, thi đấu, đặc biệt là giáp, bảng chấm điểm điện tử theo các quy định ngặt nghèo của Nhà nước, nên tại Quảng Ninh, VĐV đấu kiếm nhiều khi chỉ tập và chấm điểm chay, tức là HLV đánh giá hoàn toàn bằng... quan sát. Điều này khiến kết quả thiếu chính xác, ảnh hưởng nhiều tới kỹ thuật của VĐV.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên, thầy trò môn đấu kiếm của Quảng Ninh đã phải nỗ lực hết sức, tự sáng tạo ra nhiều dụng cụ tập luyện, như giáp tập làm bằng da, mô phỏng thiết bị, dụng cụ tập kiếm… để các VĐV nâng cao cảm giác khi tập luyện. Đồng thời nghiên cứu, tham khảo nhiều bài tập, cách đánh hay của các kiếm thủ quốc tế, từ đó thảo luận, áp dụng thực tế trong tập luyện.
Thường thì những chương trình tập huấn cho giải đấu lớn là khá ít, do vậy thầy trò môn đấu kiếm phải tổ chức những cuộc giao lưu, cọ xát tại các địa phương lân cận có phong trào phát triển hơn, như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...
Nếu như ở lần ra quân đầu tiên các kiếm thủ Quảng Ninh chỉ giành được 2 HCĐ tại các giải Vô địch trẻ và Vô địch quốc gia năm 2020, thì năm 2022 (năm 2021 không thi đấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) các VĐV Quảng Ninh đã cải thiện đáng kể thành tích với 7 huy chương các loại, trong đó có 3 HCV tại Giải Vô địch quốc gia và 2 HCV ở Giải Vô địch trẻ quốc gia. Và đặc biệt là thành tích ngoài mong đợi ở kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 vừa qua. Qua đó, các VĐV có triển vọng như Bùi Vân Anh (SN 2004), Nguyễn Thu Trang (SN 2006), Hoàng Hải Nam (SN 2001) đã được triệu tập vào Đội tuyển quốc gia.
Để phát huy hết tiềm năng, thầy và trò bộ môn đấu kiếm của Quảng Ninh rất cần sự quan tâm hơn nữa, đầu tư trang thiết bị tập luyện đầy đủ, có các chương trình tập huấn, thi đấu cọ xát với những trung tâm mạnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của các chuyên gia... giúp nâng dần trình độ so với các trung tâm đấu kiếm mạnh của cả nước.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()