Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:53 (GMT +7)
Đau khớp hậu COVID-19, chữa thế nào?
Thứ 5, 07/04/2022 | 15:30:04 [GMT +7] A A
Người nhiễm COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh... Trong số đó, bệnh nhân có biểu hiện về cơ xương khớp, đặc biệt là đau khớp chiếm một số lượng không nhỏ.
Thống kê cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
1. Mối liên hệ giữa COVID-19 và đau khớp
Khớp xương là một cấu trúc đặc biệt, nó có cấu tạo phức tạp, đa dạng có nhiệm vụ nâng đỡ và hỗ trợ chuyển động linh hoạt của con người. Khớp xương hoặc bề mặt khớp là nơi kết nối các xương trong cơ thể để tạo thành một hệ thống xương tổng thể.
Các khớp có nhiệm vụ hỗ trợ các chuyển động khác nhau của cơ thể. Bất kỳ tổn thương nào cho khớp (bệnh tật hoặc chấn thương) đều có thể cản trở chuyển động và gây ra đau đớn.
Một nghiên cứu gần đây trên 11.096 người cho thấy đau khớp xuất hiện ở 15,5% bệnh nhân COVID-19. Các tài liệu thường mô tả triệu chứng đau khớp là biểu hiện trong giai đoạn đầu của bệnh và phổ biến hơn ở nữ giới.
Một nghiên cứu khác cho thấy, đau khớp đôi khi xảy ra vài ngày trước hoặc sau triệu chứng sốt khởi phát. Hơn nữa, ở những bệnh nhân hậu COVID-19, 27% được báo cáo là có tình trạng đau khớp kéo dài. Các vị trí đau thường gặp nhất là ở khớp gối, khớp vai, khớp cột sống.
Cơ chế đằng sau sự xuất hiện của triệu chứng đau khớp khi nhiễm COVID-19 vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về virus SARS-CoV-1 đã mô tả cách thức nhiễm trùng có thể dẫn đến tổn thương hoặc rối loạn chức năng cơ, giảm khối lượng cơ thể, teo sợi cơ hoặc hoại tử sợi cơ khu trú và thâm nhiễm tế bào miễn dịch. Trong đó, mô tả tình trạng hoại tử vô mạch, chủ yếu ở chỏm xương đùi, sau nhiễm trùng SARS-CoV-1, có thể do bản thân nhiễm trùng hoặc do corticosteroid trong điều trị.
Hơn nữa, phản ứng viêm khi nhiễm COVID-19 có thể là nguyên nhân góp phần gây ra chứng đau khớp ở bệnh nhân. Các cytokin tiền viêm có liên quan đến tổn thương sợi cơ và do đó có thể đóng một vai trò trong việc gây ra hoặc góp phần vào chứng đau khớp khi nhiễm COVID-19.
Việc sử dụng corticosteroid trong điều trị COVID-19 nếu buộc phải kéo dài, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng, có liên quan đến nhiều tác dụng phụ trên xương (hoại tử xương, giảm mật độ khoáng của xương và loãng xương). Các nghiên cứu đã mô tả corticosteroid cũng có thể dẫn đến teo cơ và yếu cơ.
2. Điều trị đau khớp hậu COVID-19 như thế nào?
2.1.Điều trị không dùng thuốc
- Chườm nóng hoặc chườm đá lên vùng khớp đau trong thời gian ngắn, vài lần một ngày. Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm cũng có thể giúp làm giảm cơn đau.
- Tập thể dục, tốt nhất là đi bộ, bơi lội hoặc các bài tập thể dục nhịp điệu có cường độ thấp. Các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng cũng rất hữu ích. Nên tham vấn với bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục bất kỳ lộ trình luyện tập nào.
- Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì vì giúp giảm bớt áp lực lên khớp.
- Tập vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, ổn định khớp và cải thiện các chuyển động khớp. Các kỹ thuật trị liệu có thể sử dụng như siêu âm, liệu pháp nhiệt hoặc kích thích điện học. Do vậy, bạn cần đến cơ sở có cung cấp dịch vụ này kèm theo chuyên gia tư vấn luyện tập.
2.2. Điều trị với thuốc
- Thuốc giảm đau acetaminophen: Acetaminophen (tên khác của paracetamol) hay tylenol được sử dụng phổ biến trong các trường hợp giảm đau từ nhẹ đến trung bình. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi người bệnh uống thuốc acetaminophen như: Phát ban, ngứa / sưng ở các vị trí mặt, lưỡi, cổ họng, chóng mặt, khó thở. Cần thận trọng với bệnh nhân có bệnh gan mạn tính, suy gan, suy thận.
- Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen: Tác dụng chống viêm của ibuprofen xuất hiện sau hai ngày điều trị. Thuốc có tác dụng chống viêm tốt và có tác dụng giảm đau tốt.
Không dùng thuốc với bệnh nhân đang có loét dạ dày tá tràng tiến triển, bệnh nhân quá mẫn với aspirin hoặc với các thuốc chống viêm không steroid khác (hen, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng aspirin), bệnh nhân bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút), phụ nữ đang ở ba tháng cuối của thai kỳ. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm sốt, mỏi mệt, chướng bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, bồn chồn, mẩn ngứa.
- Thực phẩm bổ sung như glucosamine: Glucosamine là một loại đường tự nhiên thường được tìm thấy trong và xung quanh các mô đệm của khớp. Dùng glucosamine sulfate đường uống giúp giảm đau cho những người bị viêm xương khớp đầu gối, hông hoặc cột sống. Tác dụng phụ của glucosamine khá ít, phổ biến là buồn nôn, ợ chua, tiêu chảy, táo bón…
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em/trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không nên dùng glucosamine vì chưa có đủ dữ liệu về an toàn và hiệu quả.
3. Lời khuyên của thầy thuốc
Bệnh nhân đau khớp hậu COVID-19 lưu ý:
-
Chỉ sử dụng thuốc khi đã được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
-
Dinh dưỡng đầy đủ, tăng các thực phẩm làm tăng colagel tự nhiên như nước hầm xương, cá, trái cây có múi, hàu, hến, ốc…
-
Nếu bị đau khớp kéo dài (hơn 2 tuần) sau khi khỏi COVID-19, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám để được hướng dẫn và chỉ định điều trị.
Theo Suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()