Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:23 (GMT +7)
Đau họng do thay đổi thời tiết, ăn gì để nhanh khỏi?
Thứ 3, 14/11/2023 | 15:26:53 [GMT +7] A A
Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh khiến nhiều người bị viêm họng, mệt mỏi, khó ăn, khó nuốt do đau họng. May mắn là có những thực phẩm không chỉ có tác dụng làm dịu cổ họng mà còn giàu dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng có thể khiến cơn đau họng biến mất nhanh hơn.
1. Cách xử trí khi bị viêm họng
Viêm họng là căn bệnh dễ mắc khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt từ nóng sang lạnh. Dấu hiệu điển hình nhất khi bị viêm họng là người bệnh cảm thấy đau rát họng kèm theo một số triệu chứng khác như ho, sốt, mệt mỏi... Cơn đau do viêm họng rất khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và ăn uống.
Theo TS.BS. Phạm Thị Bích Thủy, BV Tai - Mũi - Họng Trung ương, viêm họng là tình trạng viêm tại tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc ở họng. Biểu hiện của viêm họng thường là: đau rát họng, niêm mạc họng đỏ, sưng nề, ấn đau, sốt, ho khan hoặc ho có đờm, đau mỏi người…
Viêm họng tuy lành tính nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: áp-xe quanh amidan, áp-xe thành họng, viêm thanh khí - phế quản, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm phổi…
Do vậy, người bệnh không nên chủ quan, khi có dấu hiệu bị viêm họng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Bên cạnh đó cần chú ý bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể giúp bệnh nhanh khỏi.
Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, thực phẩm có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa. Món ăn nên chế biến mềm, loãng, giúp làm dịu cổ họng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa…
2. Những thực phẩm tốt nhất nên ăn khi bị đau họng
2.1. Gừng
Gừng có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn rất tốt. Nó kích thích hệ thống miễn dịch tự bảo vệ tốt hơn để chống lại các virus gây bệnh đường hô hấp. Gừng cũng chứa chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và các mầm bệnh khác góp phần gây đau họng. Cách sử dụng gừng tốt nhất là kết hợp gừng tươi chế biến các món ăn hoặc uống trà gừng ấm để làm dịu cơn đau họng.
2.2. Mật ong
Mật ong là chất kháng khuẩn tự nhiên có thể làm giảm đau và viêm ở cổ họng. Mật ong giúp bao phủ cổ họng, kháng khuẩn, làm dịu họng và giảm ho. Nó cũng có thể giúp vết thương mau lành hơn nếu bạn bị vết thương trầy xước và vết loét ở cổ họng.
2.3. Yến mạch
Yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt tốt cho sức khỏe vì nó chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và rất giàu chất xơ. Những chất dinh dưỡng này có thể hỗ trợ tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể nhanh hồi phục. Chế biến bột yến mạch thành nhiều cách như: cháo, súp, trộn sữa chua… tạo thành các món ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu.
2.4. Sữa chua
Sữa chua chứa men vi sinh tự nhiên bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột và bảo vệ hệ thống miễn dịch. Sữa chua có kết cấu mềm mịn, thơm ngon, dễ nuốt. Nên ăn sữa chua nguyên chất, tránh sữa chua chứa nhiều đường vì đường có thể gây kích ứng cổ họng. Ngoài ra có thể kết hợp trộn trái cây tươi với sữa chua, cách này ăn vừa ngon lại vừa giúp tăng lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.
2.5. Nước dùng và súp
Nước dùng và các loại súp như: súp gà, súp rau củ chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chống viêm có thể làm dịu họng. Món ăn này cũng giúp tăng cường miễn dịch và dễ ăn nếu cổ họng bạn cảm thấy rát và ngứa.
2.6. Khoai tây nghiền
Khoai tây chứa nhiều kali, magie, vitamin B cùng nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Khoai tây cũng có nhiều chất xơ giúp thúc đẩy nhu động ruột khỏe mạnh. Ăn khoai tây nghiền tạo cảm giác dễ chịu cho cổ họng khi cổ họng bị đau và viêm.
2.7. Chuối
Kali, vitamin C và vitamin B6 là một số chất dinh dưỡng trong chuối có thể giúp chữa lành và làm dịu cơn đau họng, đồng thời chuối cũng rất mềm giúp dễ dàng trôi xuống cổ họng. Bạn có thể ăn chuối trực tiếp, nghiền chuối cho vào sữa chua hoặc bột yến mạch cũng rất ngon và dễ ăn.
2.8. Nước ép lựu
Lựu là trái cây nổi tiếng vì có lượng vitamin C và chất chống oxy hóa cao hỗ trợ miễn dịch giúp bạn nhanh chóng phục hồi sau khi ốm. Hạt trong quả lựu cũng được cho là có tác dụng giảm sưng tấy. Bạn nên tự ép lựu lấy nước uống hoặc chọn mua nước ép lựu nguyên chất, không chứa đường.
3. Thực phẩm cần tránh khi bạn bị đau họng
Khi bị viêm họng, người bệnh cần lưu ý tránh ăn những thực phẩm có xu hướng làm nặng thêm các triệu chứng khiến họng bị đau nhiều hơn như những thức ăn giòn và cứng vì nó gây đau khi nuốt. Trái cây và nước ép có tính acid, có vị chua, cay nhiều cũng có thể gây kích ứng họng, vì vậy cũng nên hạn chế.
Tránh tất cả các loại thực phẩm có đặc tính gây viêm khi bị đau họng. Thực phẩm gây viêm thường có thể làm cho cơn đau họng trở nên trầm trọng hơn và làm chậm quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.
Tránh uống rượu bia khi viêm họng vì rượu vừa có tính acid vừa làm khô, có thể gây kích ứng họng. Thay vào đó nên uống nước và trà ấm như trà gừng, trà hoa cúc sẽ tốt hơn.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()