Rối loạn ăn uống thường xuất hiện từ thời niên thiếu nhưng các triệu chứng thường không được phát hiện và điều trị sớm vì khó nhận biết. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ cho thấy, tỷ lệ rối loạn ăn uống trên toàn cầu đã tăng từ 3,4 lên 7,8% trong năm 2017-2018.
Ngoài ra, một báo cáo năm 2021 của Học viện Nhi khoa Mỹ cho thấy độ tuổi trung bình bắt đầu mắc chứng rối loạn ăn uống là 12,5 tuổi. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm chứng rối loạn ăn uống sẽ giúp trẻ có cơ hội hồi phục cao. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị rối loạn ăn uống.
Chán ăn
Theo các chuyên gia y tế, những trẻ quá quan tâm đến ngoại hình hoặc bị ám ảnh bởi cân nặng thường có xu hướng lựa chọn cách ăn thật ít hoặc chỉ ăn một số thực phẩm nhất định để không bị tăng cân. Thói quen này là dấu hiệu báo trước của chứng rối loạn ăn uống. Về lâu dài, trẻ có thể bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu cân.
Da khô
Các vấn đề về da thường gặp ở trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống. Trong đó, mất nước thường đi kèm với chứng cuồng ăn và biếng ăn.
Sưng má
Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết của chứng rối loạn ăn uống do cuồng ăn là tình trạng hai bên má sưng lên (má sóc chuột - sialadenosis). Tình trạng này gây ra bởi sự mở rộng của các tuyến nước bọt ở mang tai bị rối loạn; từ đó, dẫn đến tăng kích thước và tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. Ước tính có khoảng 10-66% bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn có thể bị phì đại tuyến mang tai, tùy thuộc vào số lần tự nôn mửa hàng ngày.
Ăn vô độ
Biểu hiện là trẻ ăn quá nhanh, quá nhiều và không theo nhu cầu của cơ thể; thậm chí, có cả những trẻ vẫn cố gắng ăn khi đã no. Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ có thể nôn ra rồi ăn tiếp. Đây là dấu hiệu rối loạn ăn uống do cuồng ăn. Điều này sẽ gây ra những tác động xấu cho trẻ như: tăng cân nhanh, dễ mệt mỏi, nhịp tim không ổn định, dễ bị ngất, thậm chí có thể bị ngừng thở trong lúc ngủ.
Cơ thể bất an
Lo lắng thường gia tăng ở trẻ đang mắc chứng rối loạn ăn uống. Theo các chuyên gia y tế, sự lo lắng này xảy ra sau khi giảm cân, nhưng đôi khi nó cũng đến vào những thời điểm thay đổi cân nặng. Ngoài ra, tình trạng lo lắng cũng có thể gia tăng khi trẻ mắc chứng chán ăn.
Hành vi ăn uống bất thường
Những trẻ mắc chứng chán ăn đôi khi sẽ phát triển những hành vi bất thường trong bữa ăn. Một số cách phổ biến như: cắt thức ăn thành những miếng nhỏ, sử dụng nhiều gia vị, đột nhiên đòi dùng muỗng, nĩa, ly hoặc dĩa để ăn uống hay cắt bỏ toàn bộ các loại thực phẩm cũng là một trong những dấu hiệu đánh dấu sự khởi đầu của chứng rối loạn ăn uống.
Cất đồ ăn trong phòng ngủ
Trẻ mắc chứng rối loạn ăn uống có thể tích trữ một lượng lớn thức ăn. Do đó, nếu cha mẹ tìm thấy bánh hoặc kẹo giấu trong phòng của trẻ thì rất có thể bé đang mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ. Bên cạnh đó, việc ăn uống bất thường, không đúng lúc cũng là một dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu trên, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để can thiệp kịp lúc, bởi việc nhận biết sớm chứng rối loạn ăn uống sẽ giúp trẻ tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và các vấn đề y tế nghiêm trọng như: rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh và đau tim.
Ý kiến ()