Sở Y tế TP HCM ghi nhận nhiều học sinh tại hai trường quận Bình Thạnh nhiễm siêu vi hô hấp, số lượng tăng cao bất thường. Triệu chứng chính của các em là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khoảng 10-15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Các em tự khỏi bệnh sau vài ngày, không có trường hợp phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết sốt siêu vi là nhóm bệnh thường gặp, chiếm đa số trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp. Đây là tình trạng sốt cấp tính do nhiễm virus hay siêu vi trùng.
Sốt siêu vi có thể diễn tiến thành sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm hay sốt phát ban, thậm chí bệnh tay chân miệng. Do đó, bác sĩ thường hẹn lịch tái khám mỗi ngày cho bệnh nhân hoặc xét nghiệm để xác định bệnh. Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt, cũng như loại trừ các yếu tố vi khuẩn như viêm amidan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu... bác sĩ chẩn đoán nhiễm siêu vi và bệnh này thường sẽ tự khỏi trong 5-7 ngày.
Có nhiều chủng loại virus gây sốt siêu vi, phổ biến là enterovirus, adenovirus hay rhinovirus... Bệnh thường gặp vào mùa đông xuân hoặc mùa mưa, khi thời tiết lạnh ẩm ướt thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.
Sốt siêu vi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm nguy cơ là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi do hệ miễn dịch yếu dễ mắc bệnh.
Triệu chứng
Virus có thể lây truyền qua hít phải giọt bắn do người đang bị nhiễm virus ho hoặc hắt hơi; ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm virus; bị côn trùng hoặc động vật mang virus đốt, cắn.
Trong giai đoạn khởi phát bệnh, hầu hết trường hợp biểu hiện giống nhau, như sốt cao 38-40 độ C, đau đầu, đau nhức mình mẩy và mệt mỏi. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Ngoài ra, dấu hiệu khác như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, biếng ăn, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, ngứa...
Các triệu chứng chứng xuất hiện tùy vào từng loại virus gây bệnh, có thể biến mất sau đó một tuần, nhưng ho và mệt mỏi thường kéo dài vài tuần.
Bác sĩ Khanh cho biết đây là bệnh khá thường gặp ở trẻ em, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. Tuy nhiên mức độ nặng nhẹ của bệnh còn tùy thuộc vào loại virus, mức độ nhiễm bệnh và sức khỏe cá nhân.
Điều trị
Điều trị sốt siêu vi dựa vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh, mức độ sốt cùng các triệu chứng khác đi kèm.
Hạ sốt cho trẻ bằng cách dùng paracetamol liều 10 mg/kg mỗi 4-6 giờ để tránh sốt cao co giật, lau người bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Sốt cao có thể gây mất nước, rối loạn điện giải cơ thể. Do đó, cần cho trẻ uống nhiều nước và bù điện giải bằng cách uống oresol (một gói oresol pha một lít nước uống dần trong ngày).
Vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm bằng nước ấm, phòng kín; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch natrichlorua 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Cách ly trẻ, không cho đến trường; cho ăn lỏng, dễ tiêu.
Thông thường các triệu chứng thuyên giảm trong vòng một tuần, tuy nhiên có trường hợp siêu vi gây biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ dưới hai tháng tuổi đến tái khám mỗi ngày cho đến khi xác định an toàn; khám khi trẻ sốt cao, khó hạ hoặc sốt trên hai ngày, sốt kèm xuất hiện chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước lòng bàn tay, chân, toàn thân, phát ban, hoặc biểu hiện bất thường nào khác.
Trẻ có các dấu hiệu sau cũng cần tái khám ngay: Lơ mơ, ngủ nhiều li bì khó đánh thức; nôn ói nhiều, không ăn uống được hoặc bỏ bú; co giật hay giật mình chới với, run tay chân; thở bất thường, thở mệt, tím tái; tay chân mát lạnh, da nổi bông; bứt rứt đau bụng; chảy máu cam, máu răng, ói máu, đi tiêu phân đen...
Ý kiến ()