Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:32 (GMT +7)
Dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu cao tới mức nguy hiểm
Thứ 5, 01/09/2022 | 21:58:17 [GMT +7] A A
Bạn cần kiểm tra chỉ số đường huyết nếu hay mệt mỏi, uống nước nhiều, đi tiểu thường xuyên, sụt cân không chủ ý.
Lượng đường trong máu là một phần quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta. Khi chỉ số này mất cân bằng, bạn có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh thận và đột quỵ.
Theo Tiến sĩ Bayo Curry-Winchell, Giám đốc Y tế Chăm sóc Khẩn cấp, Bệnh viện Carbon Health and Saint Mary (Mỹ), tăng đường huyết hoặc đường huyết cao xảy ra khi có quá nhiều đường trong máu. Khi đó, cơ thể có quá ít insulin (hormone vận chuyển glucose vào máu) hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Tình trạng này thường liên quan đến bệnh tiểu đường.
Chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như sau:
Đường huyết lúc đói: dưới 100 mg/dL (dưới 5,6 mmol/l).
Sau bữa ăn: dưới 140mg/dl (7,8 mmol/l).
Theo Tiến sĩ Curry-Winchell, đường huyết quá cao trong một thời gian dài sẽ làm hỏng các mạch máu chịu trách nhiệm cung cấp máu đến các cơ quan như tim và thận.
“Không phải ai cũng nhận thấy các dấu hiệu của lượng đường trong máu cao. Một số triệu chứng có thể bị bỏ qua như như mệt mỏi hoặc tăng cảm giác khát".
Dưới đây là một số biểu hiện của đường huyết cao:
Mệt mỏi
Tuyến tụy tiết insulin có chức năng vận chuyển glucose (đường) từ máu đến tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi insulin không hoạt động hiệu quả, glucose không thể tới được tế bào mà tích tụ lại trong máu. Do đó, tế bào sẽ không nhận được năng lượng cần thiết, khiến bạn trở nên uể oải.
Nhanh khát nước, đi tiểu nhiều
Tiến sĩ Curry-Winchell cho biết: “Thận không thể lọc hết lượng đường dư thừa trong máu và phản ứng bằng cách cố gắng loại bỏ. Điều này làm tăng thời gian, tần suất bạn đi tiểu và khiến bạn có nguy cơ bị mất nước”.
Sụt cân
Người bị tăng đường huyết có tình trạng giảm cân không chủ ý dù cảm giác thèm ăn không thay đổi hoặc tăng lên. Điều này xảy ra vì không có đủ insulin để đáp ứng với lượng glucose dư thừa trong cơ thể. Để cung cấp năng lượng, cơ thể sử dụng cơ và chất béo dự trữ, gây ra hiện tượng giảm cân.
Thị lực suy giảm
Tiến sĩ Curry-Winchell giải thích: "Mức đường huyết tăng cao có thể làm tăng số lượng mạch máu hình thành phía sau mắt (võng mạc). Các mạch máu phụ có hại và có thể dẫn đến nguy cơ bị mù".
Tê và ngứa ran
Lượng đường trong máu cao làm giảm lưu thông máu đến các chi, có thể gây tổn thương dây thần kinh với các biểu hiện như tê hoặc ngứa ran ở ngón tay, ngón chân, bàn tay và bàn chân.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()