Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:31 (GMT +7)
Dấu hiệu bạn đang bị thiếu sắt
Thứ 6, 26/08/2022 | 10:40:38 [GMT +7] A A
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh.
Thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính, 7% trẻ mới biết đi, 4-5% trẻ em, 9-16% phụ nữ có kinh nguyệt, 2% nam giới tuổi dậy thì và trưởng thành bị thiếu sắt, tỷ lệ nhỏ hơn dẫn đến thiếu máu.
Người lớn trên 65 tuổi có tỷ lệ thiếu sắt cao hơn, từ 12% đến 17%. Tình trạng thiếu sắt phổ biến ở các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc 30-70%.
Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ có thai.
Thiếu máu, thiếu sắt là gì?
Thiếu máu là tình trạng có quá ít tế bào hồng cầu lưu thông. Nguyên nhân thường gặp nhất là thiếu sắt. Lượng sắt trong cơ thể không đủ dẫn đến giảm sản xuất hồng cầu.
Các triệu chứng thường không đặc hiệu, bao gồm suy nhược, mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tâm trạng, đau đầu, nhanh mệt khi tập thể dục, giảm cảm giác thèm ăn (đặc biệt là ở trẻ em), xanh xao (ở những người có sắc tố sẫm màu, thấy rõ ở các bề mặt màng cứng và lòng bàn tay), hơi thở và hội chứng chân không yên.
Nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu sắt là mất máu, thường từ rong kinh hoặc xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng này cũng có thể do ăn uống không đủ sắt, nhu cầu sử dụng chất này nhiều hơn vì tăng trưởng nhanh (như ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai), kém hấp thu (bệnh celiac hoặc đã phẫu thuật dạ dày trước đó), cắt tĩnh mạch, tán huyết hoặc luyện tập thể thao cường độ cao (hiếm gặp).
Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt thường dựa vào xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, nồng độ hematocrit và hemoglobin thấp dưới ngưỡng bình thường; xét nghiệm ferritin huyết thanh, phản ánh tổng lượng sắt dự trữ trong cơ thể, cân nhắc xét nghiệm transferrin (thường được đo gián tiếp bằng tổng khả năng gắn kết với sắt, tăng cao khi thiếu sắt) và sắt huyết thanh.
Lưu ý để không bị thiếu sắt
-Nguồn cung cấp chất sắt lành mạnh bao gồm rau xanh và các loại đậu: Chúng ta vẫn lầm tưởng thịt là nguồn cung cấp sắt chính. Tuy nhiên, chế độ ăn chay cân bằng bao gồm các loại đậu, ngũ cốc tăng cường hoặc ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô, hạt và rau xanh cũng dễ dàng cung cấp đầy đủ chất sắt.
- Các sản phẩm từ sữa và trứng là những nguồn rất nghèo sắt: Chúng làm giảm khả năng hấp thụ chất này. Casein từ sữa và một số dạng canxi ức chế sự hấp thu sắt. Ngoài ra, trẻ bị dị ứng với sữa bò có thể đặc biệt dễ bị mất máu đường ruột do tác dụng kích thích của các sản phẩm từ sữa.
- Trái cây và rau quả giúp hấp thu sắt nonheme: Trái cây và rau quả chứa vitamin C, các axit hữu cơ (axit xitric) giữ cho sắt ở dạng khử, làm tăng sự hấp thụ sắt nonheme khi được tiêu thụ trong cùng một bữa ăn. Vitamin A và carotenoid cũng có tác dụng tăng cường hấp thu sắt bằng cách khắc phục tác dụng ức chế của polyphenol và phytat (có trong ngũ cốc nguyên hạt). Thêm vitamin A vào chế độ bổ sung sắt cũng được chứng minh là làm giảm thiếu máu nhiều hơn so với chỉ bổ sung sắt.
- Không nên uống trà, cà phê và ca cao trong bữa ăn nếu nghi ngờ tình trạng thiếu sắt: Polyphenol và tannin trong những đồ uống này ức chế sự hấp thu sắt nonheme.
- Bổ sung đầy đủ chất sắt trước khi mang thai: Việc này có thể giúp ngăn ngừa thiếu máu ở cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thiếu sắt phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là thời kỳ mang thai. Nhu cầu sinh lý về sắt tăng gần gấp 10 lần trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Thiếu sắt trong tam cá nguyệt đầu tiên dẫn đến các chỉ số về tăng trưởng, phát triển thần kinh và hành vi của thai nhi kém hơn đáng kể so với những gì xảy ra khi người mẹ có tình trạng đủ sắt.
Ở những bà mẹ bị thiếu sắt, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn thường dẫn đến tình trạng thiếu sắt ở trẻ sơ sinh. Nếu không có lượng sắt dự trữ đầy đủ trước khi thụ thai, bạn có thể cần bổ sung sắt trong thời kỳ mang thai.
- Sữa mẹ có chứa chất sắt đáng kể: Việc nuôi con bằng sữa mẹ được ưu tiên do chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với trong sữa công thức làm từ đậu nành hoặc sữa động vật.
Thiếu máu do thiếu sắt thường có thể phòng ngừa và điều trị được. Một chế độ ăn uống bổ sung ngũ cốc hoặc ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, trái cây và rau củ có thể cung cấp sự cân bằng chất sắt lành mạnh. Trong thời gian nhu cầu sắt tăng lên hoặc khi đã chẩn đoán thiếu sắt, bạn có thể cần bổ sung chất này.
Các xét nghiệm máu đơn giản có thể đánh giá chính xác tình trạng sắt của một người. Nếu có dấu hiệu nghi bị thiếu máu thiếu sắt, bạn hãy đến khám tại cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán và tư vấn.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()