Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:47 (GMT +7)
Đau đầu xin lại giấy đi đường ở Hà Nội, có doanh nghiệp 'bỏ cuộc chơi'
Chủ nhật, 05/09/2021 | 20:24:46 [GMT +7] A A
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước tin TP Hà Nội cấp lại giấy đi đường, có trường hợp cho biết do sợ phiền toái nên họ chấp nhận "bỏ cuộc chơi”.
Trong 40 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, TP Hà Nội 4 lần đổi mẫu giấy đi đường. Việc liên tục thay đổi mẫu giấy cùng cách thức thực hiện khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, gõ cửa nhiều cơ quan và gặp nhiều khó khăn. Thậm chí để tránh phiên toái, có doanh nghiệp chấp nhận… “ngủ đông”, tạm ngừng hoạt động.
Nghỉ luôn vì quá phiền toái
Thông tin tới VTC News ngày 5/9, ông N.N.C., Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân N.C – đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học trên địa bàn TP.Hà Nội, cho biết ngay từ ngày 29/7, doanh nghiệp đã lập danh sách nhân viên và mang đến phường sở tại để làm thủ tục xin cấp giấy đi đường.
Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn, sau khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho biết phải họp để xét duyệt.
“Từ lần giãn cách trước, doanh nghiệp chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ mang lên phường để làm thủ tục xin cấp giấy đi đường nhưng không được nên chúng tôi quyết định nghỉ luôn để tránh phiền toái”, anh C. cho biết. Quyết định này một phần do doanh nghiệp của anh chủ yếu cung cấp thịt bò sạch cho các trường học và nhà hàng trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh giãn cách xã hội, các trường nghỉ dạy, nhà hàng hoạt động cầm chừng.
Cùng hoàn cảnh, ông Đ.V.H., Giám đốc chuỗi thương hiệu Thực phẩm sạch Q.H, cho biết, đang hết sức hoang mang, lo lắng khi nghe tin TP Hà Nội thay đổi mẫu giấy đi đường mới: “Tôi chưa biết làm thế nào, sáng nay mới có thông tin bổ sung chính thức nên giờ mới đang bắt đầu làm. Hôm nay là ngày nghỉ, còn chưa biết công an có làm việc không để còn đến làm thủ tục”.
Theo ông H., từ khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp rất sợ, không dám bán hàng, không dám ra đường vì lo bị phạt. Trước đó, doanh nghiệp đã phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường, nhưng khi giao hàng cho khách, một nhân viên vẫn bị phạt. Lý do cơ quan chức năng đưa ra là giấy đi đường chỉ áp dụng đi từ nhà đến công ty, không được vận chuyển hàng.
“Giấy đi đường chỉ xác nhận từ nhà đến cơ quan làm việc, nhưng chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Không được đi giao thực phẩm thì hàng hóa làm ra tiêu thụ đi đâu?”, ông H. phàn nàn.
Vị giám đốc cho biết ông đã đem những khúc mắc này trao đổi với lãnh đạo UBND phường nơi doanh nghiệp đóng nhưng "đâu lại vào đó"; phản ánh đến đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng không ăn thua.
“Việc xin giấy lưu thông vận tải khó khăn khiến doanh nghiệp bị đóng băng từ nhiều tháng. Để duy trì, doanh nghiệp vẫn cố xoay xở, nhưng chi phí đội lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt”, ông H. cho hay.
Trường hợp không xin được giấy đi đường, ông H. xác định cho nhân viên nghỉ hai ngày tiếp theo để làm các thủ tục, có giấy đi đường rồi mới đi làm lại.
Nhiều khúc mắc
Ông Đ.H.B., Giám đốc Công ty TNHH M.T.S.V., doanh nghiệp vận tải có tên tuổi tại TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cũng đang “vò đầu bứt tai” để làm kịp thủ tục cấp giấy đi đường theo mẫu mới: “Theo thông báo mới nhất của Công an TP Hà Nội, doanh nghiệp của chúng tôi nằm trong nhóm được công an phường cấp giấy đi đường. Chúng tôi đang cho nhân viên làm hồ sơ và gửi thông tin qua email theo hướng dẫn để làm thủ tục cấp giấy theo mẫu mới”.
Theo ông B., thời gian còn lại không nhiều, nếu không kịp cấp giấy thì cũng không biết phải xử lý như thế nào.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm thủ tục, doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn do không được tiếp xúc trực tiếp, chỉ gửi email và chờ đợi, doanh nghiệp muốn chủ động liên hệ làm việc cũng không được. Một băn khoăn khác là ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp còn có văn phòng ở các phường khác nhau, không biết phường sở tại nơi đặt trụ sở cấp giấy hay phường nơi đặt văn phòng cấp.
“Doanh nghiệp mong cơ quan chức năng có phương án khả thi nhất, vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo lưu thông. Trường hợp ngày mai không kịp cấp giấy đi đường, chúng tôi sẽ phải sử dụng giấy cũ chứ không biết tính sao”, ông B. cho hay.
Chia sẻ với VTC News, ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Exp Việt Nam, cho biết ngay từ khi nhận được thông báo của Công an TP Hà Nội, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ với công an phường sở tại để làm thủ tục. Đến thời điểm này, tuy doanh nghiệp chưa nhận được giấy đi đường mới nhưng đã có phản hồi cơ quan chức năng.
“Doanh nghiệp chúng tôi thuộc lĩnh vực cung cấp hàng thiết yếu. Ngay ngày hôm qua, chúng tôi đã liên hệ với công an, chính quyền phường sở tại và gửi hồ sơ để làm thủ tục xin cấp giấy đi đường. Đến sáng nay, chúng tôi nhận được email phản hồi hướng dẫn chi tiết thủ tục. Hiện chưa nhận được giấy đi đường nhưng tôi đánh giá trong ngày nghỉ, họ làm tốt”, ông Quang nói.
Tuy vậy, theo ông, quá trình làm thủ tục cũng có những khó khăn, chẳng hạn công an cho biết chỉ cấp giấy cho nhân viên đi từ nhà đến cơ quan.
"Nhưng chúng tôi là doanh nghiệp thực phẩm thiết yếu, nhân viên giao hàng nhiều địa điểm, trong trường hợp không cấp giấy vận chuyển thì doanh nghiệp làm thế nào?", ông Quang thắc mắc và cho biết đang trao đổi với UBND phường nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để hỏi thông tin cụ thể.
Ông Quang cũng thông tin thêm, thực tế nhiều khi có giấy đi đường rồi nhưng ở một vài chốt, cán bộ kiểm tra lại đòi hỏi nhân viên phải có giấy xét nghiệm mới cho qua.
"Tôi phải nói rõ chúng tôi là doanh nghiệp cung cấp hàng thiết yếu, không phải là doanh nghiệp vận tải. Nếu là doanh nghiệp vận tải, chúng tôi sẽ phải có giấy xét nghiệm theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi doanh nghiệp thực phẩm không yêu cầu phải có giấy xét nghiệm mới được ra đường. Đấy cũng là khó khăn do không đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện", ông Quang nhấn mạnh.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()