Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:16 (GMT +7)
Dấu ấn xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh
Thứ 4, 08/02/2023 | 11:13:46 [GMT +7] A A
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là hành trình có mở đầu, nhưng không có điểm kết thúc, sau 12 năm (2010-2022) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Đây là bước tạo đà cho Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân những năm tiếp theo.
Từ sáng tạo, linh hoạt trong cách làm
Khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, lợi thế đối với Quảng Ninh rất ít, bởi đặc thù vùng nông thôn của tỉnh có cả xã khu vực đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó có tới 96 xã miền núi. Hiện trạng các xã so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM đạt thấp. Số xã đạt dưới 50% bộ tiêu chí còn tới 58 xã; nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá với quyết tâm cao và bước đi vững chắc.
Rõ nét nhất là ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/10/2010 - Nghị quyết đầu tiên và chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó lấy việc xây dựng NTM làm then chốt. Nghị quyết xác định chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân; phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp trực tiếp do đồng chí bí thư cấp uỷ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Đây là một trong những cách chỉ đạo rất sáng tạo, thể hiện rõ nét dấu ấn của lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh cũng thành lập các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện của từng địa phương; bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách, theo dõi Chương trình xây dựng NTM và Chương trình OCOP; thành lập Văn phòng điều phối NTM; bố trí cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách ở cấp huyện và cấp xã.
Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh được triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13 đơn vị cấp huyện, chứ không làm điểm, làm nhỏ lẻ như các địa phương khác. Cũng chính vì triển khai đồng loạt, nên đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho tỉnh, nhất là nguồn lực thực hiện. Để tháo gỡ khó khăn, Quảng Ninh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng có để tạo hành lang pháp lý phục vụ cho chương trình đạt hiệu quả. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ nguyên vật liệu đầu tư các công trình hạ tầng; hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...
Tỉnh cũng ban hành các tiêu chí về NTM tỉnh Quảng Ninh; phê duyệt các đề án, dự án, kế hoạch cụ thể thực hiện lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn; chính sách ưu tiên triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, Đề án 196; cơ chế, chính sách phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững.
Đáng chú ý, Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách. Tỉnh đã ban hành các quy định phân cấp quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Nhờ đó, cả giai đoạn 2010-2022, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2020 là gần 173.000 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 357,8 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2021-2022 là trên 60.800 tỷ đồng (bình quân ngân sách tỉnh hỗ trợ 703 tỷ đồng/năm).
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng NTM như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Dân vận khéo”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thanh niên chung sức xây dựng NTM”... Qua các phong trào, hàng trăm nghìn m2 đất đã được nhân dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp; hàng trăm tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hoá, trạm y tế...
Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác truyền thông, nhận thức về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt, từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia NTM, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, cũng ít có địa phương xây dựng được một hệ thống vận hành đồng bộ và chuyên nghiệp như Quảng Ninh. Với tinh thần trách nhiệm cao, Quảng Ninh đã huy động được cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tham gia. Ngoài ra, tất cả các cấp, ngành đã triển khai sáng tạo, chủ động bằng các chương trình hành động hết sức cụ thể.
Đến những thành quả tự hào
Bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, TX Đông Triều), cho biết: Nhờ xây dựng NTM, người dân được đi lại trên những con đường bê tông rộng rãi, sinh hoạt ở nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp; học sinh được học tập ở những ngôi trường đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế ngày càng phát triển mang đến cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân trong thôn, trong xã.
Ở xã Việt Dân, khi bắt tay xây dựng NTM, cán bộ và nhân dân còn không ít băn khoăn, trăn trở. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm triển khai, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đến tháng 7/2019 hoàn thành tất cả các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu, trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và là điểm đến học tập kinh nghiệm của hàng trăm địa phương trên khắp mọi miền Tổ quốc. Hiện Việt Dân đang trong lộ trình xây dựng xã NTM thông minh.
Bà Đặng Thị Sen, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Dân, cho biết: Thành quả này có được là nhờ sự quyết tâm, chung sức đồng lòng từ cán bộ đến người dân, sự chỉ đạo thông suốt từ xã đến thôn, khơi dậy được sự đoàn kết, tự nguyện, tích cực của bà con. Hiện toàn xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện xây dựng NTM. Người dân đã đồng tình thì sức dân là rất lớn. Đặc biệt, chúng tôi phát huy được hiệu quả của các tổ đoàn kết liên gia, liên kết, tự hòa giải, xây dựng các điển hình xóm mẫu, hộ mẫu, tuyến đường mẫu, rồi đóng góp cơ sở vật chất xây dựng nhà văn hóa thôn. Khi đời sống kinh tế nâng cao thì kéo theo đời sống tinh thần và các thiết chế văn hóa cũng được nâng lên.
Xã Đồn Đạc trước vốn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ, nhưng nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt”. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân Đồn Đạc chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022).
Anh Chíu A Ba (thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc) phấn khởi cho biết: Trước kia cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, hộ nghèo còn nhiều. Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân đã thay đổi rõ rệt, thôn và xã có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, con em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn, chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của thôn, của xã. Có được những kết quả đó là nhờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là từ chương trình xây dựng NTM.
Dấu ấn của phong trào xây dựng NTM không chỉ hiện hữu ở Việt Dân hay Đồn Đạc, mà ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống - xã hội. Hơn ai hết, người dân - người thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng NTM cảm nhận rõ sự đổi thay tích cực này. Chị Trần Thị Trắng (thôn Nà Ích, xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: Chủ trương xây dựng NTM rất hợp lòng dân, giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây mới, nâng cấp, ý thức của người dân cũng thay đổi theo hướng văn minh hơn nhiều.
Bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Quảng Ninh đã tạo đột phá lớn, đạt những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Đến nay, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh. Quảng Ninh cũng vinh dự được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM (Đông Triều); huyện đảo (Cô Tô) đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân).
NTM không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm trên địa bàn Quảng Ninh, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống sung túc, thôn, khu văn minh, quản lý dân chủ. Kết quả này củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và là tiền đề quan trọng để tỉnh bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và cuộc sống nhân dân.
Thu Chung
- Hành trình xây dựng nông thôn mới ở Ba Chẽ
- Phát triển nhanh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh
- Xã Hạ Long phấn đấu về đích nông thôn mới kiểu mẫu
- Công nghệ xây dựng nông thôn mới thông minh
- Bình Liêu: Vững bước trên hành trình xây dựng nông thôn mới
- Nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo
Liên kết website
Ý kiến ()