Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:17 (GMT +7)
Dấu ấn về Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu còn không ít thách thức
Thứ 4, 28/06/2023 | 22:57:59 [GMT +7] A A
Chuyến công tác của Thủ tướng góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng hành cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.
Theo đặc phái viên TTXVN, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các Nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân, Trung Quốc từ ngày 25-28/6 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Chuyến công tác góp phần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời chia sẻ, kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng hành cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.
Làm sâu sắc thêm quan hệ Việt-Trung
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Trung Quốc sau 7 năm; hoạt động gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo chủ chốt hai nước sau khi Trung Quốc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước khóa mới.
Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào cuối năm 2022, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023).
Trong chuyến thăm, cùng với hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế; Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc; khẳng định đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Đáp lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng khẳng định luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng; luôn ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.
Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam; nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ;” đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam; hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học công nghệ, đặc biệt tăng cường kết nối đường sắt, đường bộ, đường biển, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối hai nước.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, đưa hợp tác thực chất giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, tương xứng với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Đặc biệt, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các quy tắc mà hai bên đã tham gia.
Xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực trong hợp tác quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc và các nhân sỹ, trí thức hữu nghị; tham dự dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc và tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc.
Khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với hơn 5,3 triệu người, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ để bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi với sở tại; đóng góp thiết thực hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và là cầu nối vun đắp quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện có thể để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác đầu tư, kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ.”
Ngay trong chuyến thăm, nhiều thỏa thuận hợp tác được các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước ký kết.
Có thể khẳng định chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp và tiếp tục góp phần đưa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào phát triển ổn định, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và hòa bình ổn định cho khu vực.
Đồng hành cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững
Trong chương trình dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF; dự và phát biểu phiên toàn thể của Hội nghị với chủ đề “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh;” dự phiên khai mạc Hội nghị WEF.
Trong các bài phát biểu của mình tại các sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, cũng như chiến lược, mục tiêu phát triển đất nước của Việt Nam; đồng thời nêu các trở ngại kinh tế quan trọng nhất mà Việt Nam và kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, kêu gọi tinh thần đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận toàn dân để ứng phó.
Chia sẻ những lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị hiện đại vì mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế số…
Các ý kiến của Thủ tướng được lãnh đạo các nước, các tổ chức và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao; nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.
Nhiều doanh nghiệp ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó có nhiều chính sách theo hướng gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp.
Các đại biểu thể hiện tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị các nhà tiên phong của WEF lần này, khẳng định sẽ đến Việt Nam để tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành, địa phương nhằm hiện thực hóa các kế hoạch hợp tác với Việt Nam.
Không chỉ mang lợi ích cho Việt Nam, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại WEF còn đem lại nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành công chung của hội nghị.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các cuộc gặp cởi mở, thẳng thắn, chân thành với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm như: Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Mông Cổ Oyun Erdene Luvsannamsrai, Thủ tướng Barbados Mia Mottley.
Trong các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các nước, các tổ chức đánh giá lại kết quả quan hệ hợp tác thời gian qua, đồng thời đề xuất phương hướng, các giải pháp thúc đẩy quan hệ với các nước, trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…
Cùng với đó, lãnh đạo các nước, tổ chức nhất trí với quan điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Có thể khẳng định chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị của WEF đã thành công tốt đẹp, qua đó, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; đồng thời để lại dấu ấn về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, khẳng định một hình ảnh Việt Nam có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp không ít thách thức./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
- Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Khu mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
- Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc
- Thủ tướng dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc
- Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc
- Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
- Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc
Liên kết website
Ý kiến ()