Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:37 (GMT +7)
Dầu ăn tốt nhất cho người bệnh máu nhiễm mỡ
Thứ 5, 24/11/2022 | 22:14:43 [GMT +7] A A
Ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mức cholesterol xấu. Một số loại thực phẩm, bao gồm dầu ôliu có thể giúp giảm lượng cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, hạn chế tình trạng máu nhiễm mỡ.
Người bệnh máu nhiễm mỡ thường không có triệu chứng, vì vậy xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết liệu chỉ số cholesterol trong máu có đáng lo ngại hay không.
1. Máu nhiễm mỡ khi nào?
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện khi 1 trong 4 thông số lipid bị rối loạn. Nguyên nhân là do người bệnh có chế độ ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý như ăn nhiều đường, mỡ động vật, gan, trứng, bơ, sữa và các thực phẩm chế biến sẵn; uống rượu, bia; hút nhiều thuốc lá; ít vận động thể lực.
Bên cạnh đó, nguyên nhân mắc bệnh còn do rối loạn về gene, có tính chất gia đình và rối loạn thứ phát do một số bệnh lý như đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, xơ gan. Điều này lý giải tại sao không chỉ những người béo mà ngay cả những người gầy cũng bị rối loạn lipid máu.
Có thể xác định lượng cholesterol xấu (LDL), cholesterol tốt (HDL) và các chất béo khác (triglyceride) trong máu bằng xét nghiệm máu. Trước khi xét nghiệm mỡ máu, người bệnh được yêu cầu nhịn ăn trong 8 - 12 giờ để đảm bảo rằng tất cả thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn và sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Đối với người trưởng thành, mức cholesterol không lành mạnh khi:
-
Trên 200mg/dL cho tổng lượng cholesterol
-
Trên 130mg/dL đối với cholesterol không HDL
-
Trên 100mg/dL đối với cholesterol LDL
-
Dưới 40mg/dL đối với HDL cholesterol ở nam giới trưởng thành
-
Dưới 50mg/dL đối với HDL cholesterol ở phụ nữ trưởng thành
2. Dầu ôliu giàu chất béo tốt cho sức khỏe
Dầu ôliu là loại dầu tự nhiên được chiết xuất từ quả của cây ôliu. Nó được coi là một trong những loại chất béo lành mạnh nhất được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên thêm vào chế độ ăn của gia đình.
Theo nghiên cứu, axit béo chủ yếu trong dầu ôliu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là axit oleic, chiếm 73% tổng hàm lượng dầu.
Axit oleic được chứng minh là có tác dụng làm giảm viêm, thậm chí có thể có lợi đối với các gen liên quan đến ung thư.
Chất béo không bão hòa đơn cũng có khả năng chịu nhiệt cao, vì vậy dầu ôliu nguyên chất là loại dầu rất lành mạnh, thích hợp dùng để nấu ăn. Ngoài các axit béo có lợi, nó còn chứa một lượng nhỏ vitamin E và K tốt cho sức khỏe.
Theo BS. Vũ Đại Dương (Khoa Dinh dưỡng - Trường Đại học Y Hà Nội), tiêu thụ dầu ôliu làm giảm tổng lượng cholesterol, LDL, chất béo trung tính và tăng HDL nhiều hơn so với các loại dầu thực vật khác. Dầu ôliu làm giảm sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol, từ đó giúp phòng tránh các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, xơ vữa động mạch…
3. Vì sao dầu ôliu tốt cho người bệnh máu nhiễm mỡ?
Các tác dụng có lợi của dầu ôliu liên quan đến hàm lượng polyphenol của dầu. Dầu ôliu nguyên chất (EVOO) trải qua quá trình xử lý ít nhất và giữ lại hàm lượng polyphenol cao nhất. Đây là các hợp chất thực vật giàu chất chống ôxy hóa với nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau. Việc tăng số lượng chất chống ôxy hóa polyphenol trong chế độ ăn uống có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bao gồm: Hạ huyết áp, giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, ngăn ngừa cục máu đông.
Hàm lượng polyphenol trong các loại dầu ôliu khác nhau như sau:
-
Dầu ôliu nguyên chất: 150-400mg/kg
-
Dầu ôliu thông thường: 10-100 mg/kg
-
Dầu ôliu tinh luyện: 0-5 mg/kg
4. Tuyệt chiêu chế biến món ăn cùng với dầu ôliu
Là một loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên do có điểm sôi thấp nên dầu ôliu nguyên chất được khuyến cáo tránh dùng làm nguyên liệu trong những trường hợp chế biến các món ăn cần nhiệt độ cao như chiên giòn, áp chảo, xào trong thời gian dài. Nếu dùng trong nấu ăn ở nhiệt độ cao thì nên lựa chọn dầu ôliu đã qua tinh chế. Loại dầu này sẽ không biến chất dù gặp nhiệt độ cao, có màu nhạt hơn các loại dầu còn lại và chỉ có chút hương vị ôliu.
Có thể sử dụng dầu ôliu trong các món ăn như:
Các món salad, món trộn: Các món salad sẽ đảm bảo giữ được hương vị hoàn hảo và thanh mát với việc dùng dầu ôliu nấu ăn làm nguyên liệu. Dầu ôliu có thể được rưới lên món salad hoặc làm sốt trộn salad.
Sử dụng làm nước sốt ướp: Sử dụng dầu ôliu trước khi đun nấu, như là một loại nguyên liệu ướp các loại thịt và rau củ sẽ giúp tăng hương vị khi chế biến.
Thêm vào khi món ăn đã chín: Các món ăn như mỳ Ý hay rau củ đã chín cho thêm một chút dầu ôliu sẽ làm cho món ăn tăng thêm hương vị.
Chế biến khoai tây nghiền hoặc khoai tây nướng:
Đối với món khoai tây nghiền: Dùng dầu ôliu thay cho bơ trong khi nghiền khoai tây luộc để khoai thêm mềm và khi nấu tăng độ thơm của món ăn.
Đối với món khoai tây nướng: Khoai tây sau khi đã nướng chín trong lò, lấy ra và phết lên bề mặt khoai chút dầu oliu cùng ít lá hương thảo để miếng khoai không bị khô cũng như có thơm hương thảo mộc.
Để đảm bảo chất lượng của dầu ôliu, khi sử dụng cần tránh để chai dầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao. Vì các bức xạ nhiệt sẽ phân hủy các chất chống ôxy hóa và chất có lợi cho sức khỏe có trong dầu.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()