Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2024 Dấu ấn một nhiệm kỳ
Thứ 7, 09/11/2024 | 05:21:32 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ III năm 2019, với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia thực hiện của nhân dân, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Các chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, giúp người dân có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đầu tư, hỗ trợ mang tính đòn bẩy của các chủ trương, chính sách, đề án từ Trung ương, tỉnh và địa phương đã tiếp thêm sức mạnh để đồng bào các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Nổi bật là việc triển khai thực hiện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi) và Đề án tổng thể gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để tạo sức mạnh tổng hợp về nguồn lực thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2024 là hơn 4.000 tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với giai đoạn 2016-2020. Đây chính là nguồn lực quan trọng để cuộc sống của đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng đổi thay theo hướng phát triển toàn diện.
Từ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, những năm qua vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng có sự khởi sắc. Cuộc sống mới đang hiện hữu trên mỗi nếp nhà, trong từng bản làng; bộ mặt nông thôn miền núi ngày một đổi thay. Đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đến tận các thôn, bản vùng đồng bào DTTS.
5 năm qua, tỉnh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hệ thống điện được quan tâm cải tạo, nâng cấp, 100% hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ gia đình nông thôn, vùng DTTS, miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% thôn, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa; 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% xã có trung tâm thể thao, hoặc sân tập thể thao…
Trong 5 năm, hàng trăm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư vùng DTTS đã được hỗ trợ giao đất, giao rừng với tổng diện tích trên 275.000ha để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng bào DTTS còn được hỗ trợ vay vốn giảm nghèo với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Qua đó đã khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 32,62 triệu đồng/người (năm 2020) lên 73,348 triệu đồng/người (năm 2023). Hết năm 2023, Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Tỉnh đã chủ động nâng chuẩn nghèo cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương về tiêu chí thu nhập. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điểm sáng về sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS như ở Tiên Yên, Bình Liêu, Hạ Long... đang có sự phát triển mạnh mẽ.
Anh Ân Văn Thành (thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) chia sẻ: Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ mô hình vườn mẫu trồng ổi, tôi và bà con trong thôn đã phát triển mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng. Đặc biệt, từ khi hạ tầng giao thông ở thôn được cải tạo, mở rộng, mọi người đã vay vốn đầu tư để mở rộng mô hình, nhằm thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Năm 2024, gia đình tôi còn mở rộng thêm mô hình đầm sen và tới đây sẽ tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP địa phương như ổi Hoành Bồ, khau nhục… để quảng bá đến du khách. Hiện thu nhập bình quân của gia đình tôi đạt khoảng 300 triệu đồng/năm.
Nhằm giúp người dân an cư, trong năm 2023 toàn tỉnh có 441 hộ dân, trong đó có 66 hộ thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa gần 33 tỷ đồng. Đặc biệt, sau cơn bão số 3 (Yagi), hàng nghìn hộ dân bị thiệt hại do thiên tai, phần lớn thuộc vùng đồng bào DTTS đã và đang tiếp tục được tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Bên cạnh đó, con em đồng bào DTTS được học tập trong những ngôi trường mới chất lượng cao, khang trang, hiện đại như: Trường THPT Bình Liêu, Trường Tiểu học Tình Húc (Bình Liêu); Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long), Trường Dân tộc nội trú Ba Chẽ... Học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh còn được thụ hưởng hàng loạt chính sách giáo dục ưu tiên, như: Miễn học phí, hỗ trợ ký túc xá, ưu tiên thu hút sinh viên, học viên người DTTS theo học tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chính sách thưởng đối với học sinh đoạt giải là người DTTS...
Mỗi năm, trẻ mầm non, học sinh THPT ở các thôn, xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tiền ăn bán trú, kinh phí tổ chức học hè với tổng khi phí khoảng 31,3 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS ngày càng tăng lên. Tỷ lệ trung bình học sinh là người DTTS đỗ đại học, cao đẳng theo nguyện vọng đạt 90%; tốt nghiệp THPT đạt 99%. Toàn tỉnh đã có 411 học sinh người DTTS đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; 1 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Không những vậy, bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc được đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy; công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu. Đến nay, 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có chi bộ Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh đã củng cố 48 chi bộ, 32 tổ chức, đoàn thể xã hội ở các xã, phường biên giới, biển đảo hoạt động nền nếp, hiệu quả.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia tại khu vực đồng bào DTTS luôn được giữ vững. Đồng bào DTTS luôn tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng mô hình “An ninh cơ sở”, góp phần củng cố vững chắc an ninh cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia...
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lục Thành Chung khẳng định: 5 năm qua cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn nỗ lực, quyết tâm đưa vùng đồng bào DTTS vươn lên một tầm cao mới để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững chung của tỉnh và của đất nước. Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cùng khát vọng vươn lên, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, các mục tiêu, chỉ tiêu trong Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ III đã được hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Qua đó, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh"; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tiếp thêm niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Những thành công đạt được trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III đã phản ánh rõ nét hiệu quả từ các chương trình, chính sách dân tộc, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục được nhân lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được giữ vững. Đây sẽ là nền tảng, động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Trúc Linh
- Những “cầu nối” uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
- Chăm lo mọi mặt cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Giữ vững an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gắn với du lịch
- Dành nhiều quan tâm cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Liên kết website
Ý kiến ()