Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Dấu ấn lịch sử, văn hoá thời Trần trên vùng đất Quảng Ninh
Chủ nhật, 02/04/2023 | 13:12:37 [GMT +7] A A
Nhà Trần là một triều đại quân chủ cai trị nước Đại Việt từ năm 1226-1400. Đây là triều đại được lưu danh với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam và cũng là một trong các triều đại để lại dấu ấn lịch sử, văn hoá đậm nét trên vùng đất Quảng Ninh.
Tới nay, Quảng Ninh có 6 di tích quốc gia đặc biệt thì hầu hết trong số đó liên quan đến nhà Trần như Khu di tích lưu niệm chiến thắng Bạch Đằng, quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới), Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều, Đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên. Chưa kể Thương cảng Vân Đồn đang được xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Chừng đó đủ thấy dấu ấn nhà Trần trên vùng đất Quảng Ninh đậm nét thế nào.
“Bạch Đằng giang là sông cửa ải/ Tổng Hà Nam là bãi chiến trường…” - câu ca dao lưu truyền bao đời của người dân vùng Hà Nam (TX Quảng Yên) đã phần nào khái quát về chiến công hiển hách của dân tộc trên vùng đất này, nhất là chiến thắng quân Nguyên năm 1288. Không chỉ để lại tới ngày nay dấu tích là những trận địa cọc của Trần Quốc Tuấn, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 còn để lại vùng đất Quảng Yên hàng chục di tích là đình, chùa, đền, miếu cùng vô vàn huyền tích, giai thoại, thơ ca, vè, câu đối… ca ngợi chiến công hiển hách của dân tộc. Những câu chuyện như huyền tích mà rất dân dã, đời thường như tích khi Trần Quốc Tuấn đang đốc chiến quân sĩ giết giặc thì tóc xổ ra, ngài bèn chống kiếm búi lại tóc (đình Trung Bản); tích khi đi thị sát địa hình xây dựng trận địa cọc ở cửa Sông Rút và Sông Kênh, thuyền chở Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão bị mắc cạn ở gò đất (đền Trung Cốc); tích bà hàng nước mách con nước cho Trần Quốc Tuấn bố trí trận địa cọc (miếu Vua Bà)…
Đông Triều - vùng đất được nhà Trần chọn lập đền thờ và an táng 8 hoàng đế sau khi băng hà. Khu đền Sinh thuộc thôn Nghĩa Hưng là nơi thờ chung 8 vị vua nhà Trần và lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế. Lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ. Tại núi Mèo, xã Yên Đức có khắc bài thơ của vua Trần Nhân Tông, có Thiên long uyển (vườn nghìn rồng) với những nghi vấn là chốn công viên của thời nhà Trần. Gần đó là bia đá “Thiên Liêu sơn, Tam bảo địa” được cho là nơi trang ấp của Trần Khánh Dư do vua Trần ban cho thuở xưa.
Cũng ở Đông Triều, phải kể đến chùa Quỳnh Lâm - tương truyền từng có tượng Di Lặc là một trong “tứ đại khí” của nước Đại Việt xưa. Chùa Quỳnh Lâm là nơi các Tam tổ Trúc Lâm vẫn lui tới giảng đạo, nơi sinh hoạt của “Bích Động thi xã” do Trần Quang Triều lập nên giống như một câu lạc bộ văn học để xướng hoạ thi ca.
Danh sơn Yên Tử gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử từng được xem như là kinh đô Phật giáo của Đại Việt xưa.
Đền Cửa Ông - đền Cặp Tiên thờ Trần Quốc Tảng và các danh tướng nhà Trần, đền Đức Ông (TP Hạ Long) thờ Trần Quốc Nghiễn là hai trong số những người con tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Quần đảo Vân Hải gắn liền với chiến công đánh tan đoàn thuyền lương của tướng nhà Nguyên là Trương Văn Hổ năm 1288, gắn liền với Thương cảng Vân Đồn phát triển thịnh trị thời Trần với những chùa, tháp trên xã đảo Thắng Lợi.
Tất cả những dấu tích đó cho thấy thời Trần, vùng đất Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, địa chiến lược và quan trọng như thế nào.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()