Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:28 (GMT +7)
Dấu ấn của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân với Quảng Ninh
Thứ 6, 20/10/2023 | 14:53:34 [GMT +7] A A
Làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Thọ Chân có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Vùng mỏ.
Ông Nguyễn Thọ Chân (còn có các bí danh là Phi, Sáu Khanh) sinh năm 1920, quê ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội - là vùng có cơ sở Đảng rất sớm, nơi sản sinh ra nhiều nhà cách mạng lỗi lạc, những trí thức nổi tiếng. Ông học Trường tư thục Thăng Long, lấy bằng Thành chung, mở trường dạy học, đồng thời cũng để hoạt động cách mạng và tham gia nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin. Năm 1937, ông tình nguyện tham gia phong trào Thanh niên dân chủ Hà Nội, tổ chức Thanh niên phản đế, Thanh niên cứu quốc và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn rất trẻ.
Tháng 8/1942, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, đến đầu năm 1943, làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 4/1943, ông bị mật thám Pháp bắt, xử 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo. Năm 1945, từ Côn Đảo về đất liền, ông được phân công tham gia Tỉnh ủy Gia Định, làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Gia Định, Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tháng 4/1951, ông bị quân Pháp bắt trong một trận càn quét, đến năm 1954 được trao trả diện tù chính trị theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1961, trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ông được Trung ương điều về làm Bí thư Khu ủy Hồng Quảng. Lúc đó, ông Nguyễn Thọ Chân sống giản dị ở trong một căn nhà cũ gần bến phà Bãi Cháy phía Hồng Gai, vừa là nơi ở, vừa làm cơ quan và là nơi tiếp khách.
"Hồng Quảng lúc đó quan trọng lắm. Hồng Quảng được coi là “thủ đô than” của Việt Nam. Nước ta lại đang thiếu dầu, thiếu điện nên than vẫn là năng lượng chủ yếu. Nhiệm vụ của Vùng mỏ là sản xuất nhiều than cho Tổ quốc, cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp sức để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sau năm 1955, người Pháp rút đi, Vùng mỏ rất thiếu thốn trang thiết bị, máy móc để khai thác than. Lúc tôi về Vùng mỏ, mặc dù có cả chuyên gia hỗ trợ, rồi anh em đi học ở Liên Xô về nhưng mỗi năm chỉ khai thác được vài ba triệu tấn, năm nào cao nhất mới được 5 triệu tấn" - ông Nguyễn Thọ Chân kể lại với tác giả bài viết trong một cuộc trò chuyện lúc sinh thời.
Về Hồng Quảng, ông Nguyễn Thọ Chân là người có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc kiến thiết Vùng mỏ, xây dựng ngành Than sau thời kỳ tiếp quản. Ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá: "Ông Nguyễn Thọ Chân là người trung thực, thẳng thắn, sống với đồng đội, đồng chí rất nghĩa tình. Nhưng ông ấy cũng là người quyết đoán, phê bình ai là phê bình đến nơi, đến chốn để cho họ thấy được khuyết điểm mà sửa chữa".
Năm 1963, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh hợp nhất, ông Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Khu ủy Hồng Quảng, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Những năm tháng đầu tiên khi tỉnh hợp nhất, dấu chân của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân in khắp các nhà máy, núi đồi, ruộng đồng, hầm mỏ ở Quảng Ninh lúc đó.
Ông Nguyễn Thọ Chân từng kể: "Lúc đó, tỉnh còn rất nhiều khó khăn nhưng lúc nào chúng tôi cũng tin tưởng một ngày nào đó Vùng mỏ sẽ giàu mạnh. Tôi nhớ có phái đoàn Liên Xô sang thăm Việt Nam, xuống Hồng Quảng. Tôi dẫn các đồng chí đi mỏ, họ kêu ca bụi bặm ghê gớm lắm. Tôi bảo đây là vùng than rất quý. Có lẽ cả thế giới chưa có chỗ nào được ưu ái than không khói antraxit như của chúng tôi. Chúng tôi còn có biển, có Vịnh Hạ Long phong cảnh tuyệt vời không nơi nào có được. Vùng mỏ còn có núi rừng rất đẹp, núi đá vôi làm xi măng rất tốt. Tỉnh tôi giờ còn nghèo nhưng rồi sẽ giàu có. Tôi tin thế".
Những năm ở Quảng Ninh, Bí thư Nguyễn Thọ Chân luôn là người lãnh đạo mẫu mực, mẫn cán với công việc, sâu sát với cơ sở, được đồng đội, đồng chí và nhân dân tin yêu. Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nhớ lại: "Trong công việc, ông Nguyễn Thọ Chân là người điều hành, quán xuyến làm đến nơi, đến chốn. Tôi luôn xác định mình là học trò của ông ấy, đi theo ông ấy để học hỏi".
Ông Nguyễn Thọ Chân là người vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ khi Người xuống thăm Vùng mỏ. Ông luôn tự nhận rằng, bản thân sống được đến ngày hôm nay là nhờ suốt đời học tập Bác, trong đó có những bài học mà Người đã căn dặn khi về thăm Quảng Ninh. Ông luôn học Bác ở tinh thần học tập không ngừng, vượt khó vươn lên.
“Bác Hồ dạy tôi ra mỏ phải học địa chất, khai khoáng mới có thể lãnh đạo được cả khu mỏ. Tôi đi tìm các chuyên gia Liên Xô để học. Tôi thường xuyên cùng chuyên gia đi kiểm tra mỏ, cả ở công trường lộ thiên hay chui xuống hầm lò xem công nhân khai thác than ra làm sao” - nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể.
Theo lời kể của ông Nguyễn Thọ Chân, lúc đó công việc của người thợ mỏ rất nặng nề nhưng đời sống vô cùng thiếu thốn, toàn cơm rau mắm, không có thức ăn. "Chúng tôi lo cho anh em công nhân nhưng chưa tìm được giải pháp.
Có lần, Bác Hồ gọi tôi lên hỏi: “Này chú, Bác có một chuyện muốn nói với chú. Không biết chú có chịu làm hay không?”. Tôi thưa rằng, Bác cứ chỉ thị, dù khó khăn đến mấy tôi cũng về bàn với anh em Thường vụ làm cho bằng được. Bác bảo rằng anh em công nhân mỏ khổ lắm, ăn uống kham khổ như thế thì lấy sức đâu mà đào than. Các chú phải lo cho họ được bữa ăn có cá. Mỗi tháng, mỗi nhà phải có được 5 cân cá. Tôi thưa xin phép làm từ từ, đầu tiên là 3 cân đã. Được một thời gian, Bác lại gọi tôi kiểm tra. Tôi báo cáo đã được 3 cân rồi. Bác động viên: "Vậy tốt rồi. Các chú tiếp tục cố gắng" - ông Nguyễn Thọ Chân nhớ lại.
"3 cân cá đó chia ra cho cả tháng thì một ngày cả nhà chỉ có lạng cá thôi, chả ăn thua gì nhưng thời đó thế đã là quý giá lắm rồi. Còn tại sao có được cá ư? Hồi đó Vịnh Hạ Long có cá nhưng chúng ta toàn đánh bắt thủ công, đánh gần bờ chẳng có tàu lớn mà đi khơi. Chúng tôi đã nhờ giúp đỡ xin được một đội tàu, mỗi chiếc 300 mã lực để đánh cá. Nhưng có tàu rồi lại sợ nhất là ra ngoài khơi gặp tàu của Mỹ đành quay vào đánh gần bờ hay trong lộng thì toàn cá tạp, cá bé. Tất nhiên, dù là cá bé thời điểm đó cũng quý rồi" - ông Nguyễn Thọ Chân từng kể.
"Bác còn dạy chúng tôi bài học tiết kiệm. Bác bảo đất nước còn nghèo phải tiết kiệm là trước hết. Bác hỏi sản xuất ra 1kWh điện mất bao nhiêu than, rồi Người dạy nếu 1kWh mà tiết kiệm được đôi ba gam than thì hàng triệu kWh tiết kiệm được nhiều lắm. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, việc cụ thể, đừng đưa ra cái lớn lao, to tát quá rồi không làm được" - ông xúc động nhớ lại.
"Nhìn lại cuộc đời mình, tôi tự thấy tôi là người hạnh phúc khi được Bác Hồ tin tưởng, mỗi khi giao việc cho tôi, Người đều có những sự chỉ dẫn, dặn dò cụ thể. Tôi làm Bí thư Hà Đông lúc mới 21 tuổi, về làm Bí thư khu Hồng Quảng khi chưa đầy 40 tuổi. Ở tuổi đó mà so với Ông Cụ thì rõ ràng là mình còn trẻ con lắm" - ông Nguyễn Thọ Chân tự hào về những năm tháng ở Quảng Ninh.
Dù trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và cho đến tận đầu năm 2023 khi lìa xa cõi thế, ông Nguyễn Thọ Chân vẫn luôn dõi theo mỗi bước đi và sự phát triển từng ngày của tỉnh Quảng Ninh.
Ông tự hào: "Dù luôn dõi theo các sự kiện của tỉnh nhưng tôi vẫn thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng về nhiều mặt của Quảng Ninh. Từ đầu tỉnh cho đến tuyến đảo, đâu đâu cũng thấy có sự đổi mới. Đời sống nhân dân, không chỉ ở thành thị, không chỉ trong cán bộ và công nhân, mà người dân ở vùng nông thôn, ở tuyến đảo cũng rất khá. Nhiều công trình lớn được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh rất nhiều".
Lúc còn tại thế, ông Nguyễn Thọ Chân chia sẻ với tác giả bài viết: "Sinh thời, Bác Hồ mong muốn xây dựng ngành Than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu, Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp. Sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ đã chỉ ra, chúng ta còn phải thực hiện dài lâu. Tôi cho rằng, Quảng Ninh không những phải làm sao để không còn người nghèo, mà cần phải phấn đấu nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm để trở thành một tỉnh giàu mạnh".
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()