Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Dấu ấn cải cách hành chính
Thứ 7, 27/04/2024 | 08:14:31 [GMT +7] A A
“Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Đây là bí quyết để tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua đứng đầu các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định CCHC là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước đưa các chỉ số này vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đối với CCHC, tỉnh tập trung triển khai toàn diện trên 6 trục nội dung. Trong đó, công tác cải cách TTHC được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân khi giải quyết công việc liên quan, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai.
Các TTHC hằng năm được rà soát, đơn giản hóa, niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời. Đến nay TTHC cắt giảm thời gian giải quyết từ 40-60% so với quy định. Qua hệ thống một cửa điện tử của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành: Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,8%; các văn bản xin lỗi người dân và các văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ, văn bản giải trình được thực hiện đầy đủ, công khai trên hệ thống; trên 85,3% hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến; 100% phí, lệ phí TTHC thanh toán không dùng tiền mặt tại cả 3 cấp; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trên 50%; thời gian tiếp người dân đến thực hiện TTHC trung bình 13,3 phút/lần giao dịch.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện chặt chẽ, sát sao bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống phần mềm giám sát tự động theo thời gian thực, góp phần quản lý chất lượng giải quyết TTHC. Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng qua hệ thống phiếu khảo sát luôn đạt trên 99,9%…
Không dừng lại ở đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC. Hiện Quảng Ninh cung cấp 69,9% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 30,2% dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, tích hợp 78% lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC đủ điều kiện được thực hiện theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”, gắn với sử dụng chữ ký số cá nhân, chứng thư số thứ hai trong giải quyết TTHC; 100% thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện được số hóa lưu vào kho dữ liệu của người dân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ tái sử dụng giấy tờ số hóa tính trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trung bình 88,6%.
Nhiều giải pháp đổi mới về chuyển đổi số trong giải quyết TTHC được triển khai, như: Niêm yết TTHC bằng mã QR; sử dụng biên lai điện tử; tiện ích hẹn giờ; tin nhắn thông báo tình trạng hồ sơ; đăng ký cấp bổ sung chứng thư số và chữ ký số cho cán bộ; phối hợp với nhà mạng cung cấp miễn phí trên 19.000 chữ ký số công cộng cho người dân. Giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số đã tạo sự đổi mới, đột phá, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Qua đó được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Xác định con người chính là yếu tố then chốt quyết định thành công của công tác CCHC, Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC lên hàng đầu. Trong 3 năm (2021-2023) có trên 16.100 lượt CBCCVC được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tổng kinh phí 31 tỷ đồng.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách thể chế, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công được tỉnh thực hiện đồng bộ và thực chất. Đến nay Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong nước duy trì 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index. Đặc biệt, 2 năm 2020 và 2022 đồng thời dẫn đầu cả 4 chỉ số CCHC.
Với phương châm xuyên suốt "Cải cách hành chính chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc", tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nội dung CCHC. Sau mỗi kỳ trung ương công bố kết quả đánh giá các chỉ số CCHC, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho những năm tiếp theo. Đó chính là cách để Quảng Ninh lan tỏa "ngọn lửa" cải cách từ cấp tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương thời gian qua.
GRDP năm 2023 của tỉnh đạt 11,02%, cao hơn 0,74 điểm % so với năm trước, là năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) đạt tăng trưởng 2 con số. Tổng thu NSNN đạt trên 55.300 tỷ đồng. Đây là tiền đề để tỉnh đạt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện phía Bắc.
Ngọc Trâm
- 90,61% - là mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh năm 2023
- Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính 2023
- Chỉ số Cải cách hành chính 2023: Bộ Tư pháp vươn lên đứng đầu
- Chỉ số Cải cách hành chính 2023: Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi quán quân
- 171 - là tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau khi tỉnh sắp xếp giai đoạn 2023-2025
Liên kết website
Ý kiến ()