Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
Thứ 2, 08/07/2024 | 08:14:18 [GMT +7] A A
Tổ chức Hải quan thế giới đã xác định quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp là 1 trong 10 trụ cột xác lập những nền tảng quan trọng của một cơ quan hải quan hiện đại. Bám sát chỉ đạo của Tổng Cục Hải quan về thực hiện chiến lược trên, 10 năm qua, Cục Hải quan Quảng Ninh đã có nhiều cách làm thực chất trên tinh thần “Kiến tạo phát triển - Chủ động sáng tạo - Sâu sát thực tiễn” vì lợi ích chung.
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Trước năm 2014, hầu hết các văn bản, thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa vẫn được ngành Hải quan thực hiện bằng phương pháp thủ công, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như với Công ty CP Xăng dầu B12 (đầu mối nhập khẩu xăng dầu của miền Bắc), với lượng xăng dầu lớn, trung bình mỗi năm Công ty thực hiện trên 1.000 tờ khai và đồng nghĩa với việc cán bộ phụ trách XNK của Công ty sẽ phải thường xuyên qua Chi cục cửa khẩu cảng Hòn Gai để thực hiện các thủ tục liên quan.
Năm 2014, khi Tổng Cục Hải quan triển khai thí điểm hệ thống VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam), Cục Hải quan Quảng Ninh là đơn vị tiên phong triển khai hệ thống này. Thời điểm đưa hệ thống vào hoạt động, Công ty CP Xăng dầu B12 và những doanh nghiệp trong lĩnh vực XNK qua địa bàn Quảng Ninh rất phấn khởi khi thời gian thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh của hệ thống không quá 3 giây, hệ thống thực hiện tự động 24h/7 ngày, 7 ngày/tuần. Đồng thời, toàn bộ các khâu nghiệp vụ trong quá trình làm thủ tục hải quan và phản hồi ngay thông tin hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Qua đó đã tiết kiệm thời gian và chi phí thông quan cho doanh nghiệp, nhất là hạn chế tối đa doanh nghiệp tiếp xúc với cán bộ hải quan.
Không chỉ là đơn vị tiên phong của ngành Hải quan trong triển khai các chủ trương lớn, Hải quan Quảng Ninh còn chủ động phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp. Năm 2017, Hải quan Quảng Ninh thành lập Tổ cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp (viết tắt là Tổ ISEC) do Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Tổ “phản ứng nhanh” này hoạt động theo phương châm “Tận tụy nhất - Nhanh chóng nhất - Hài lòng nhất”, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp 24/7, chịu trách nhiệm đầu mối tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp, trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.
Ông Lê Nguyên Lương, Phó Giám đốc Công ty CP SME Logistics Quảng Ninh, chia sẻ: Nhiều năm trước đây, sự tương tác giữa hải quan với doanh nghiệp là chưa thực sự tốt. Doanh nghiệp lúng túng khi nắm bắt các thủ tục mới, thời gian thông quan hồ sơ kéo dài và phía hải quan chưa nắm hết được tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Thế nhưng 10 năm nay, Hải quan Quảng Ninh đã có bước đột phá trong hỗ trợ doanh nghiệp khi cử lãnh đạo, cán bộ xuống tận nơi để kiểm tra cơ sở sản xuất, nắm bắt tình hình hoạt động, phát hiện kịp thời những thiếu xót của doanh nghiệp. Thủ tục hải quan cũng rút ngắn ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ, thông quan hồ sơ cho đến khâu hậu kiểm. Hơn hết, Hải quan Quảng Ninh đã xóa bỏ được tâm lý e dè của doanh nghiệp để mối quan hệ giữa hai bên thực sự hướng đến lợi ích chung.
Hoạt động đối thoại với doanh nghiệp được Hải quan Quảng Ninh thường xuyên tổ chức với nhiều cách thức sáng tạo, gần gũi, thu hút đông cộng đồng doanh nghiệp tham gia, như: Hội nghị “Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp cùng phát triển”, “Cafe doanh nhân”… Những hội nghị này được tổ chức định kỳ hằng năm theo từng chủ đề, từng loại hình doanh nghiệp, theo nhóm loại hình XNK hàng hóa. Trong 10 năm qua, Hải quan Quảng Ninh tổ chức 261 hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Qua đó, đã tiếp nhận và trực tiếp trả lời gần 700 ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hải quan, về chính sách thuế, về ưu đãi đầu tư.
Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Hải quan Quảng Ninh trong việc tổ chức các hội nghị đối thoại. Thông qua các hội nghị được tổ chức bài bản đã giúp doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI có thể kết nối, chia sẻ thông tin và thảo luận về quy định, chính sách XNK. Điều này vô cùng quý giá và cần thiết khi đã xóa bỏ những ngăn cách vô hình giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực thương mại. Khi doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng các thủ tục XNK ngay từ ban đầu sẽ giúp không chỉ giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Nổi bật hơn cả trong toàn ngành là Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức triển khai thành công Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Chi cục (viết tắt là CDCI) nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng quản lý điều hành cấp cơ sở cũng như hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của các Chi cục. Đồng thời, tổ chức chấm điểm cán bộ, công chức thông qua hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức Hải quan. Hai sáng kiến này đã tạo một không khí thi đua sôi nổi giữa các chi cục trực thuộc, trong công chức triển khai nhiệm vụ cũng như hoạt động hợp tác Hải quan - Doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, đã có gần 5.000 doanh nghiệp tham gia chấm điểm công chức và có trên 272.000 phiếu đánh giá mức 5 sao (mức rất hài lòng), chiếm 99,42% phiếu đánh giá.
Gia tăng lợi ích
Đánh giá hành trình 10 năm bền bỉ thực hiện các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh, cho biết: Khi tạo lập được mối quan hệ bền vững, thực chất với doanh nghiệp cũng là cho chính đơn vị những giá trị rất lớn. Đơn vị đã thay đổi cơ bản nhận thức của cán bộ, công chức hải quan từ việc coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang coi doanh nghiệp là đối tác, hợp tác. Khi doanh nghiệp tin tưởng, gắn bó cũng đã đưa số thu XNK của Hải quan Quảng Ninh luôn nằm trong tốp 10 của toàn ngành và thậm chí, những năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến số thu XNK của nhiều Cục Hải quan lớn khác trong cả nước bị âm thì Hải quan Quảng Ninh vẫn xuất sắc hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ Tài chính và UBND tỉnh giao. Đặc biệt, trái ngọt lớn nhất là liên tiếp trong 6 năm (2017, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023), Hải quan Quảng Ninh là đơn vị 6 lần dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành của tỉnh), một kết quả xếp loại do chính cộng đồng doanh nghiệp bình chọn và tôn vinh. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, số hóa trong hoạt động thương mại và quản lý hải quan, Hải quan Quảng Ninh xác định hoạt động phát triển đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan đến năm 2030 sẽ phải nâng lên một tầm cao mới gắn với chuyển đổi số toàn diện.
Ngay từ đầu năm 2024, Hải quan Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là các TTHC liên quan đến hoạt động XNK, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí; triển khai các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan.
6 tháng đầu năm 2024, Hải quan Quảng Ninh đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao. Cụ thể: Thực hiện thủ tục hải quan cho trên 81.000 tờ khai các loại hình; kim ngạch XNK đạt 9,56 tỷ USD; thu hút 1.390 doanh nghiệp tham gia XNK (tăng 31% về số lượng tờ khai, tăng 26% về kim ngạch, tăng 23% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước). Kết quả này đã đưa số thu XNK đạt trên 9.500 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ, đạt trên 76% chỉ tiêu Chính phủ giao, đạt trên 73% chỉ tiêu tỉnh giao). Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hải quan Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả năm 2024.
Hiện đơn vị đang tập trung nghiên cứu đề xuất với tỉnh trao đổi với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu đường bộ. Đồng thời, tập trung đề xuất và triển khai mô hình cửa khẩu số áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Cầu Bắc Luân II) theo lộ trình của Tổng Cục và của tỉnh; chủ động nắm thông tin về kế hoạch sản xuất của các đơn vị có số thu XNK lớn (xăng dầu, nhập khẩu than, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi) để kịp thời tháo gỡ khó khăn; làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để thu hút cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan Hải quan; chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà doanh nghiệp quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan khẳng định: Theo mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp XNK và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”. Hiện thực hoá mục tiêu lớn này, cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của Tổng Cục trong hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, Hải quan Quảng Ninh cũng đã đặt ra những giải pháp rất quyết liệt trong giai đoạn tới. Những nỗ lực của Hải quan Quảng Ninh chắc chăn sẽ đưa quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả, đồng hành cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đơn vị trong toàn ngành.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()