Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:57 (GMT +7)
Dấu ấn 1 năm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử
Thứ 7, 29/05/2021 | 07:14:33 [GMT +7] A A
Sau 1 năm được ban hành, Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Bộ Quy tắc) đã từng bước đi vào cuộc sống với những tác động tích cực. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH&TT (ảnh), về nội dung này.
- Việc tuyên truyền, phổ biến Bộ Quy tắc đã được thực hiện ra sao thời gian qua, thưa ông?
+ Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở VH&TT đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để tuyên truyền và triển khai thực hiện Bộ Quy tắc (Kế hoạch số 113/KH-UBND, ngày 26/6/2020). Theo đó, các sở, ban, ngành tập trung phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức lao động thông qua nhiều hình thức phù hợp. Nội dung Bộ Quy tắc cũng đã bước đầu được gắn vào chương trình học tập tại các trường phổ thông, đào tạo nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn toàn tỉnh.
Các địa phương cũng chú trọng đưa Bộ Quy tắc về tận các khu dân cư, bằng cách thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân, khu phố, triển khai các hội thi, phong trào của ngành văn hoá và thể thao phát động. Nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, khu, cơ quan, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thực hiện, phát động thi đua gắn vào tiêu chí xét chọn danh hiệu văn hóa hằng năm.
Bộ Quy tắc cũng đã được in thành các sổ tay, tờ gấp, pano, áp phích, khẩu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở tôn giáo... Nội dung quy tắc được tóm tắt theo tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; thể hiện bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc để phù hợp với mọi du khách, các tầng lớp dân cư. Một số nội dung còn được thiết kế, hình ảnh hóa thành các biển hiệu tuyên truyền trực quan tại nơi công cộng; chuyển thể thành các tiểu phẩm, kịch ngắn để phù hợp tuyên truyền tới học sinh, sinh viên, người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
- Ông có thể cho biết, những kết quả nổi bật ghi nhận được sau năm đầu tiên thực hiện Bộ Quy tắc?
+ Năm qua, Bộ Quy tắc đã tạo được hiệu ứng lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhờ sự vào cuộc rất trách nhiệm của các đơn vị Trung tâm Truyền thông tỉnh, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện, UBND cấp xã. Bao gồm, tăng cường các tin, bài trên cổng thông tin điện tử thành phần của tỉnh, các sở, ban, ngành và cấp huyện; tăng cường các cuộc đối thoại, tọa đàm, giao lưu, hỏi và đáp nhằm cập nhật thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính xác tới người dân.
Về tuyên truyền trực quan, theo thống kê toàn tỉnh có gần 1.200 băng zôn, phướn thả, banner, 1.000 pa nô, khẩu hiệu về Bộ Quy tắc... Ngoài ra, còn có các hoạt động sân khấu hóa như: Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử, Hội thi ứng xử Duyên dáng - văn minh... tại các địa phương; hay mới đây là vở kịch ngắn “Cãi nhau trên mạng” do Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh xây dựng...
Ghi nhận trong ngành GD&ĐT, các trường học đều đã quan tâm xây dựng kế hoạch để lan tỏa Bộ Quy tắc đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên. Bao gồm nhiều cách làm phù hợp, như: Gửi tới từng cá nhân qua email, hệ thống liên lạc điện tử; niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, phòng làm việc; lồng ghép vào các chuyên đề giảng dạy, đưa vào môn học Giáo dục công dân ở bậc học phổ thông...
Việc phát động thi đua thực hiện Bộ Quy tắc trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị nhìn chung cũng đã được triển khai nghiêm túc. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những mô hình điểm, như “Tổ dân, khu phố không có tệ nạn xã hội”, “Dòng họ hiếu học”, “Xây dựng trường học thân thiện”, “Nói điều hay làm việc tốt, giữ cảnh quan xanh - sạch - đẹp”...
- Để triển khai được Bộ Quy tắc ứng xử có chiều sâu, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới thì cần có những giải pháp gì, thưa ông?
+ Bộ Quy tắc được nghiên cứu, xây dựng với các tiêu chí: Thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh, hào sảng; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Qua đó, nhằm góp phần tạo nên hình ảnh người Quảng Ninh trong thời đại mới. Để chuẩn mực không chỉ nằm trên giấy, thì công tác công tác tuyên truyền cần phải liên tục, thường xuyên được đẩy mạnh, có sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền.
Cụ thể như: Gắn nội dung Bộ Quy tắc vào các chương trình học tập của học sinh, sinh viên, các hội thi, hội diễn, phong trào, các hoạt động cụ thể của các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương; đề xuất triển khai nhiều mô hình tuyên truyền mới, sinh động, phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội tích cực, đưa quy tắc ứng xử lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng; lồng ghép nội dung thực hiện Bộ Quy tắc vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bổ sung vào quy ước, hương ước của khu dân cư... Quan trọng nhất là sự gương mẫu thực hành văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 20/4, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh.
Bộ Quy tắc gồm có 4 chương, 41 điều. Trong đó tại chương 3 Quy tắc ứng xử trong từng cộng đồng đưa ra những chuẩn mực cụ thể đối với từng cách ứng xử như: Ứng xử trong gia đình; dòng họ; cộng đồng nơi cư trú (làng, bản, khu dân cư); nơi công cộng và trên mạng xã hội.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực chủ trì triển khai hướng dẫn, tổ chức thực hiện Bộ quy tắc. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc tại cơ quan và trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
Các tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật có trách nhiệm thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử này.
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()