Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:40 (GMT +7)
'Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay'
Thứ 2, 18/01/2021 | 13:58:27 [GMT +7] A A
Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, lý luận về Đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.
Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Vị thế của một đất nước phát triển
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đến nay, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước Đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên (nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm). Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm).
Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt khoảng 7,3% và của khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,0%; tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (bao gồm xây dựng) theo giá cơ bản trong GDP tăng từ mức 73% năm 2015 lên khoảng 75,4% năm 2020. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động - việc làm,… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Tỉ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước đến năm 2020 khoảng 26,7%.
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với chỉ dẫn từ Cương lĩnh của Đảng ta, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH nên những thành tựu mà chúng ta đạt được càng khẳng định tính ưu việt của CNXH, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng chúng ta đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Đó là kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, đặc biệt năm 2020 nhiều quốc gia tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Mười năm gần đây, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng vào loại khá cao, đó là dấu ấn về kinh tế. Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, những năm qua song hành với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng củng cố, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển. Về đối ngoại, vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ nhất là trên vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối từ 192/193 bầu cho Việt Nam.
Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt với vai trò là Chủ tịch ASEAN; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPPPP), hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEEP)... Điều này cho thấy vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Rõ ràng thành tựu của công cuộc đổi mới là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiến. Đồng thời có sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sự nỗ lực chung sức đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân; sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt
Một trong những dấu ấn nổi bật xuyên suốt 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước mà Đảng ta đã làm được, đó là về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. PGS.TS Lê Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng: “Trong 35 năm đổi mới, Đảng đã làm được nhiều việc; đó là lãnh đạo chính trị, tư tưởng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân… được triển khai tốt”. Công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định những nguyên tắc trong đường lối Đổi mới và trong công tác xây dựng Đảng.
Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được tăng cường, đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh không chỉ “kiên định và vận dụng” mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”. Không chỉ “nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập” mà còn phải “nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”. Không chỉ “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng” mà còn phải “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Trong nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết: Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng xác định phải “tăng cường xây dựng Đảng về chính trị”, nhấn mạnh hơn so với nhiệm vụ “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị” của Đại hội XII.
Dự thảo kế thừa chủ trương Đại hội XII là: “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam”, phát triển thành chủ trương Đại hội XIII là: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”. Điểm nhấn ở đây là việc nâng cao bản lĩnh, nâng cao năng lực dự báo trong công tác chính trị tư tưởng của Đảng. Dự thảo xác định cần nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội; bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.
GS, TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Cơ đồ của đất nước ngày nay có được là thành quả quý báu được xây đắp nên bởi lớp lớp các thế hệ mà chúng ta phải trân trọng và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. Cơ đồ tạo ra tiềm lực mới, sức mạnh mới, uy tín mới, niềm tin mới, khát vọng mới vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta giàu mạnh trong thời đại mới”.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()