Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:51 (GMT +7)
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Thứ 6, 25/02/2022 | 08:53:29 [GMT +7] A A
Thay đổi nhận thức, tư duy của nhân dân về công tác DS-KHHGĐ, cơ cấu dân số và chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Đứng trước yêu cầu chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, ngành Dân số tỉnh tập trung đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với từng vùng miền, địa phương.
Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) đã chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước, những định hướng về công tác dân số theo Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 25/10/2017) "Về công tác dân số trong tình hình mới". Đồng thời tăng cường tuyên truyền và đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện thiên tai, đặc biệt trong đại dịch Covid-19; tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội…
Theo đó, Chi cục đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ lồng ghép các nội dung về dân số vào giảng dạy tại 6 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 480 chuyên viên, chuyên viên chính; phối hợp với Trường Đại học Hạ Long lồng ghép các nội dung DS-KHHGĐ vào 6 lớp cho 480 sinh viên; phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh tuyên truyền, phổ biến các nội dung về quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh cho 480 sinh viên trước khi ra trường, thời lượng 10 tiết học, tổ chức ký cam kết thực hiện đối với sinh viên ra trường…
Đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là mô hình mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Dịch vụ KHHGĐ được mở rộng, đa dạng hình thức cung cấp, nâng cao về chất lượng. Năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ đã cấp phát 18.100 tờ áp phích, 900 quyển lịch để bàn, 99 pano tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho 13 trung tâm y tế cấp huyện. Các Đề án như: Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... tiếp tục được thực hiện hiệu quả.
Qua đó, chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện trên nhiều phương diện. Năm 2020, tuổi thọ bình quân của người dân tỉnh là 73,6 (tương đương với toàn quốc); tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt 61,8%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 80%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe đạt 94,1%.
Nhờ có hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ cấp tỉnh đến cấp xã được kiện toàn theo hướng tinh gọn nên đảm bảo được sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với công tác dân số. Chi cục DS-KHHGĐ đã mạnh dạn bỏ cấp phòng, thực hiện chế độ chuyên viên trực tiếp. Đây là mô hình mới trong toàn ngành Dân số cả nước. Đồng thời,100% thôn, bản, khu phố có cộng tác viên xã hội, trong đó có thực hiện nhiệm vụ công tác dân số, góp phần vào công tác nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hoàng Văn Hy cho biết: Triển khai công tác dân số, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, quán triệt thực hiện đường lối, chính sách của Đảng liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm triển khai các mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW, với trọng tâm chuyển từ chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số của tỉnh hiện không chỉ chú trọng mục tiêu KHHGĐ như trước, mà gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động chính sách dân số và phát triển; triển khai đồng bộ các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe vị thành niên; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dân số, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()