Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:47 (GMT +7)
Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất
Thứ 7, 01/07/2023 | 14:31:13 [GMT +7] A A
Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và những đổi mới tích cực trong phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới với đông đồng bào dân tộc thiểu sinh sống, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lan tỏa đến các xã và thị trấn của địa phương này, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, tính đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu đã giải ngân cho vay trên 3.700 lượt hộ vay vốn với dư nợ trên 257 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Anh Phùn Quay Sường, thôn Cầu Sắt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu cho biết: Năm 2022, tôi được vay 100 triệu đồng chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi đầu tư chuồng trại, thức ăn và con giống chăn nuôi dê theo hình thức chăn thả tự nhiên. Hiện, đàn dê đã phát triển lên tới 50 con, phát triển từng ngày, tạo việc làm ổn định cho tôi. Nguồn vốn tín dụng chính sách là động lực để các hộ dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Không chỉ tạo động lực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách, nguồn vốn tín dụng chính sách còn đã và đang thực hiện hiệu quả các mục tiêu quan trọng của tỉnh. Trong đó, bám sát chủ trương của tỉnh về chuẩn hóa vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH các địa phương tập trung ưu tiên giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân vay chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản một cách kịp thời, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 381 lao động được vay vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Ngân hàng CSXH huyện Vân Đồn đã giải ngân cho 320 lao động vay vốn với tổng số tiền 24,7 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi sang 231.378 quả phao nhựa; con số này ở Quảng Yên là 61 lao động vay tổng số tiền 2,9 tỷ đồng, đầu tư trên 4.930 quả phao nhựa HDPE.
Quảng Ninh luôn xác định triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội sẽ góp phần đưa công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Chính từ nhận thức này đã tạo thành kim chỉ nam xuyên suốt trong tư tưởng, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Trong đó, từ việc vào cuộc trong vận động, tuyên truyền về chủ trương tín dụng chính sách xã hội đến rà soát, xác nhận đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt là 4.301 tỷ đồng với 72.000 lượt khách hàng. Đáng chú ý, chất lượng tín dụng trên địa bàn ngày càng được nâng lên với tỷ lệ nợ xấu còn 0,029% tổng dư nợ.
Nhằm giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị luôn là nhiệm vụ mà Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu trong các giai đoạn phát triển. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, hiện nay, liên ngành Ngân hàng CSXH Quảng Ninh, Sở NN&PTNT và Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí 160 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh ủy thác thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm cho 30.000 lao động.
Với những kinh nghiệm từ thực tiễn và cách làm sáng tạo, chủ động cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục đưa các chương trình tín dụng chính sách xã hội “tiếp sức” cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()