Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 02:34 (GMT +7)
Dập dứt điểm những ổ dịch còn sót, từng bước mở lại hoạt động
Thứ 7, 18/09/2021 | 23:01:23 [GMT +7] A A
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi kiểm tra và làm việc với Thành phố Cần Thơ, tỉnh Trà Vinh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn vào chiều 18/9.
Cùng dự các cuộc làm việc có Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng, chống COVID-19, đoàn công tác của Bộ Y tế, lãnh đạo TP. Cần Thơ, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP. Cần Thơ tập trung lực lượng để xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, xử lý triệt để những ổ dịch, khu phong toả, “làm đâu gọn đấy”, “không dàn hàng ngang xét nghiệm”. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kiểm soát dịch bệnh bền vững khi quay lại trạng thái bình thường mới
Tại Cần Thơ, tính đến 17h ngày 17/9, Thành phố ghi nhận 5.118 ca nhiễm, trong đó, khu cách ly ghi nhận 2.123 ca, 1.095 ca trong khu phong tỏa, 1.785 ca trong cộng đồng và 175 ca cách ly tại nhà.
Số F0 đã điều trị khỏi 4.217 ca (đạt 82,39%), tử vong 75 ca (chiếm 1,47%), đang điều trị 795 người (tầng 1 là 559 người; tầng 2 là 198 người và tầng 3 là tiếp nhận 38 người). Cần Thơ đã tiêm vaccine phòng COVID-9 mũi 1 cho 261.686 người (đạt 21,1%/tổng dân số), mũi 2 là 44.503 người (đạt 3,6%/tổng dân số).
Đánh giá chung, TP. Cần Thơ có 4 quận thuộc nhóm nguy cơ rất cao (vùng đỏ), 1 quận thuộc nhóm nguy cơ (vùng vàng), 4 huyện thuộc nhóm bình thường mới (vùng xanh).
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, do đặc điểm của một đô thị trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Thành phố từ bên ngoài là thường xuyên.
Mặc dù Cần Thơ đã đẩy mạnh xét nghiệm cộng đồng trên diện rộng song tại nhiều địa bàn vẫn còn phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng ở một số địa bàn xã, phường. Công tác truy vết chưa đạt hiệu quả cao, còn bỏ sót các F1, F2 và địa điểm dịch tễ.
Hiệu quả của xét nghiệm tầm soát cộng đồng chưa đạt yêu cầu, có thể dẫn đến bỏ sót F0 tiềm ẩn. Thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm so với chu kỳ lây nhiễm của biến thể Delta. Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội có nơi chưa nghiêm, kể cả trong khu phong tỏa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Võ Minh Lương cho rằng với số ca nhiễm cộng đồng, Cần Thơ cần phân loại bao nhiêu ca ở vùng đỏ, vùng xanh, từ đó có giải pháp khoanh vùng, xét nghiệm kịp thời, nhất là đối với những ca nhiễm cộng đồng ở vùng xanh, vùng vàng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TP. Cần Thơ tiếp tục tập trung xét nghiệm tại các quận/huyện vùng đỏ dựa trên điều tra, đánh giá dịch tễ đến tận khu phố, dồn lực quét hằng ngày để xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn nhất. “Những khu phố vùng đỏ cần xét nghiệm 100% người dân theo mẫu gộp, mẫu đại diện”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Bên cạnh đó, để kiểm soát vùng xanh bền vững, cấp ủy, chính quyền xã/phường cần giao cho các tổ chức, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân, Mặt trận Tổ quốc, tổ COVID-19 cộng đồng… chịu trách nhiệm giám sát, quản lý, theo dõi dịch bệnh ở từng ấp, từng khu phố.
Sau 2 tháng thực hiện giãn cách, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, người dân thành phố, nhất là những hộ gia đình sinh kế hàng ngày bằng buôn bán nhỏ, đang chịu sức ép rất lớn về kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ, 95% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố phải dừng hoạt động.
Vì vậy, thời gian tới, Cần Thơ quyết định 4 huyện vùng xanh thực hiện theo Chỉ thị 15. Đối với những quận vùng đỏ, vùng vàng sẽ đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng khu phố. Những khu phố vùng đỏ sẽ siết chặt kiểm soát như đối với khu phong tỏa, tập trung lực lượng xét nghiệm, nhanh chóng tìm ra F0, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp, hiệu quả. Những khu phố vùng xanh sẽ được nới lỏng một số hoạt động cho người dân, tiếp tục xét nghiệm tầm soát định kỳ mẫu gộp, mẫu đại diện, đối tượng nguy cơ cao, địa điểm…
“Quan trọng nhất là khi mở lại các hoạt động phải kiểm soát dịch bệnh bền vững, không để tình trạng mở ra 5 đến 6 tuần lại phải đóng lại”, ông Lê Quang Mạnh chia sẻ.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo TP. Cần Thơ cho biết quan trọng nhất khi mở lại các hoạt động là phải kiểm soát dịch bệnh bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng phòng, chống dịch và người dân TP. Cần Thơ đã đạt được những kết quả phòng, chống dịch tích cực. Tuy nhiên, Cần Thơ cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống.
Trong thời gian tới, Cần Thơ cần tập trung lực lượng để xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, xử lý triệt để những ổ dịch, khu phong tỏa, “làm đâu gọn đấy”, “không dàn hàng ngang xét nghiệm”. Với những khu vực đã an toàn thì từng bước mở lại các hoạt động kinh tế, đời sống một cách chắc chắn, an toàn nhưng rất trách nhiệm, mạnh dạn. “Không được chủ quan, nóng vội mở ra ồ ạt để dịch tái lây nhiễm, lan rộng trong cộng đồng, nhưng đã an toàn thì không do dự, không để động sản xuất, đời sống của người dân bị lỡ nhịp, vì như thế sẽ lãng phí nguồn lực, công sức của Nhà nước, của nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng gợi mở: “Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ hoạt động trong phạm vi những xã/phường vùng xanh, quận/huyện vùng xanh thì Thành phố cũng cần xem xét cho phép mở lại”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra phân khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm y tế huyện Càng Long. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Mô hình mẫu mở lại hoạt động sản xuất, giáo dục
Trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 18/9, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cho biết từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Trà Vinh ghi nhận 1.422 ca nhiễm COVID-19, đã điều trị khỏi 1.140 ca, tử vong 20 trường hợp.
Từ ngày 18/8 đến ngày 16/9, tỉnh triển khai các đợt xét nghiệm nhanh với hơn 1 triệu lượt người, phát hiện 67 F0 trong cộng đồng (tập trung tại các ấp vùng đỏ, xã vùng đỏ).
Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với 1 huyện nguy cơ cao (vùng vàng), 1 thành phố nguy cơ (vùng cam), 7 huyện, thị xã bình thường mới (vùng xanh); có 3 ấp nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Trong số 91 vùng cách ly y tế được thiết lập, tỉnh Trà Vinh đã kết thúc cách ly 83 vùng.
Trà Vinh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 104.135 người (khoảng 14% số đối tượng tiêm theo quy định của Bộ Y tế), tiêm mũi 2 cho 36.028 người.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết các giải pháp tập trung phòng, chống dịch của tỉnh hiện nay là xét nghiệm sàng lọc, khoanh vùng, cách ly, giãn cách và tiêm vaccine.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cũng xác định phải nỗ lực hơn nữa để giữ vững thành quả chống dịch; luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là, có phương án sẵn sàng ứng phó khi phát hiện ca nhiễm mới thì xử lý nhanh chóng xử lý dứt điểm, triệt để.
Trà Vinh đề xuất Trung ương hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng COVID-19, thuốc điều trị cũng như đào tạo, tập huấn y, bác sĩ…
Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường cho biết trong tuần tới tỉnh sẽ cho phép thêm một số doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỉnh yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch; xét nghiệm định kỳ cho công nhân; kiểm soát chặt chẽ các khu nhà trọ. “Trà Vinh xác định mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, chắc chắn”, ông Ngô Chí Cường bày tỏ.
Tổ Công tác, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá rất cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả rất tích cực trong kiểm soát dịch bệnh. Trên địa bàn chỉ còn 3 ấp "vùng đỏ" và dự kiến trong vài ngày tới sẽ xử dứt điểm, đưa toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.
Tổ Công tác, Bộ Y tế thống nhất đánh giá tỉnh Trà Vinh là địa phương có điều kiện sớm phục hồi lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng đưa hơn 30.000 công nhân quay trở lại làm việc trong các cơ sở công nghiệp theo mô hình “nhà máy xanh, nơi ở xanh, công nhân xanh”. Tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm để đảm bảo “công nhân xanh”.
Thời gian qua, Trà Vinh đã chủ động phối hợp với TPHCM, Bình Dương đón về trên 30.000 công nhân và đề nghị được ưu tiên phân bổ vaccine tiêm cho số công nhân này để khi TPHCM, Bình Dương có điều kiện quay trở lại sản xuất thì số công nhân này sẵn sàng quay trở lại làm việc thuận lợi, an toàn. Đây cũng là đề nghị của nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, những địa phương có công nhân làm việc tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Đối với bà con Trà Vinh đang sinh sống tại TPHCM, địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và mong muốn TPHCM sớm kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Tổ Công tác, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Trà Vinh phòng chống dịch để tỉnh trở thành vùng xanh bền vững. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Ngô Chí Cường cho biết từ ngày 20/9, học sinh các cấp sẽ quay trở lại trường học hoặc học trực tuyến, học qua truyền hình. Tỉnh mong muốn được Trung ương hỗ trợ các thiết bị học qua mạng trong chương tình “Sóng và máy tính cho em”.
Trà Vinh cũng mong muốn Bộ TT&TT sớm xem xét, thông qua các thủ tục cấp thêm giấy phép hoạt động 1 kênh truyền hình chuyên biệt về giáo dục phục vụ học sinh trên địa bàn, phù hợp với khả năng tập quán, năng lực, khả năng tiếp thu của các em.
Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Trà Vinh trong phòng chống dịch. Phó Thủ tướng đề nghị Tổ Công tác, Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ Trà Vinh trong phòng chống dịch để tỉnh trở thành vùng xanh, là mô hình đưa hoạt động sản xuất công nghiệp, giáo dục trở lại trong trạng thái bình thường mới một cách an toàn, bền vững./.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()