Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:26 (GMT +7)
Đập chết chó hàng xóm 'vì nó cắn con tôi', tôi có phải bồi thường không?
Thứ 6, 17/03/2023 | 09:01:04 [GMT +7] A A
Hàng xóm thả chó chạy lung tung qua nhà tôi và cắn con tôi, tôi lỡ tay đập chết nó, giờ hàng xóm đòi báo công an vì tôi không chịu bồi thường.
Câu hỏi:
Hàng xóm có nuôi con chó đắt tiền, nhưng thường thả chó chạy lung tung qua nhà tôi. Tôi đã nhiều lần góp ý. Tuần rồi, con chó của hàng xóm chạy qua và cắn đứa con trai 5 tuổi của tôi. Quá tức giận, tôi cầm cây dập chết con chó.
Hàng xóm bắt tôi bồi thường, tôi nhất quyết không đồng ý vì chó cắn con tôi và tôi cũng phải tốn tiền đưa con tôi đi tiêm ngừa. Giờ họ đòi trình báo công an. Xin hỏi trường hợp này tôi có phải bồi thường không?
Trả lời:
Theo luật sư Trần Công Tú, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Căn cứ tại điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Chó của hàng xóm được xác định là tài sản và thuộc vật, bởi vật ở đây gồm động vật, thực vật và mọi vật khác với ý nghĩa vật lý ở mọi trạng thái như: rắn, lỏng, khí.
Theo quy định tại điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
Thứ hai, khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
Thứ ba, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
Thứ tư, trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ chó: Trường hợp của bạn nêu trên cho thấy chủ sở hữu nuôi chó thường thả rông và cắn con trai 5 tuổi của bạn, lỗi trong trường hợp này thuộc về chủ sở hữu chó vì không có biện pháp bảo đảm an toàn cho người trong đó có con trai của bạn.
Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác, người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, khi chó tấn công con trai bạn mà gây thiệt hại thì chủ chó phải bồi thường thiệt hại cho con trai bạn theo quy định pháp luật.
Về hành vi dập chết con chó của bạn: Có 2 trường hợp xảy ra.
Trường hợp 1: Nếu bạn cầm cây dập chó của hàng xóm chết khi con chó đó đang tấn công và cắn con trai bạn thì trường hợp này được xác định là phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, chó tấn công, cắn con trai bạn, khi con trai bạn chỉ mới 5 tuổi chưa nhanh nhạy hay đủ sức chống trả lại con chó nhằm mục đích phòng vệ và chó tấn công, cắn con bạn cho thấy mức độ mãnh liệt và hung dữ của con chó có thể làm con trai bạn có nguy cơ thiệt hại cao hơn về sức khỏe, thậm chí mất mạng.
Do đó, hành vi cầm cây dập chết con chó là biện pháp chống trả cần thiết phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm nhằm ngăn chặn thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con trai bạn. Căn cứ quy định điều 594 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Như vậy, trường hợp này bạn không phải bồi thường cho chủ chó.
Trường hợp 2: Nếu bạn cầm cây dập chó của hàng xóm chết sau khi chó đã tấn con trai bạn thì trường hợp này con chó đã không tấn công con trai bạn nữa, không gây thiệt hại cho con trai bạn, nhưng sau đó bạn cầm cây dập con chó đến khi chết thì không được coi là phòng vệ chính đáng.
Bởi quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật và gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nếu hành vi tấn công, xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, bởi gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.
Căn cứ điều 594 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: “Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”. Dó đó, bạn có hành vi cầm cây dập chết chó trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ con chó.
Theo Vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()