Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:05 (GMT +7)
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Trao “cần câu” cho người dân
Thứ 3, 26/10/2021 | 08:09:29 [GMT +7] A A
Nhiều năm trước, khi nói đến Ba Chẽ người ta thường nghĩ đến huyện có đông hộ nghèo. Một trong những lý do nghèo là vì người dân không có nghề, nên không chủ động tự phát triển kinh tế. Thế nhưng đến nay mọi việc đã khác.
Theo bà Phạm Thị Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ, huyện đã rất chú trọng công tác đào tạo nghề cho người dân và từ các lớp học nghề người dân đã tự phát triển kinh tế gia đình một cách ổn định.
Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng huyện cũng vẫn tranh thủ mở được 5 lớp học nghề cho 100 học viên, gồm 2 lớp nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm), 3 lớp phi nông nghiệp (lái xe ô tô hạng C, điện dân dụng). Hầu hết các học viên khi qua đào tạo học nghề các năm trước đó, đều vận dụng kiến thức đã học được để phát triển cuộc sống.
Khoảng gần chục năm trước, Thanh Sơn là xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, khi ấy Thanh Sơn có tỷ lệ người nghèo hơn 60% và có thôn của xã gần 100% hộ nghèo. Ngày nay, chuyện nghèo ở Thanh Sơn đã bị đẩy vào dĩ vãng vì số hộ nghèo chỉ còn dưới 1% và xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn từ năm 2019.
Theo lãnh đạo xã Thanh Sơn, trong thành công của việc xóa nghèo cho người dân, đào tạo nghề là yếu tố rất quan trọng, giúp người dân tự tin hơn khi có nghề trong tay để mở các mô hình phát triển kinh tế. Việc đào tạo nghề được nghiên cứu sát thực từ đời sống nhân dân, không chung chung là cứ vận động bà con đến học, rồi học xong không làm gì. Xã đã có nhiều buổi họp bàn, lấy ý kiến từ nhân dân và thống nhất cách làm sao cho hiệu quả phù hợp với điều kiện, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ dân. Do vậy, kể từ năm 2019 đến nay, hằng năm, Thanh Sơn đều có 2 lớp học nghề (khoảng 20-35 học viên/lớp), trong đó có đến 80% học viên áp dụng hiệu quả các kiến thức của mình đã học vào cuộc sống khi ra trường.
Gia đình chị Đàm Thị Mộc ở thôn Khe Loọng Ngoài, sau khi tham gia lớp dạy nghề ươm giống trồng rừng năm 2020, chị Mộc đã mạnh dạn vay vốn, mua 30 vạn cây giống gồm keo, quế về ươm. Ngay năm đầu, chị Mộc đã tiêu thụ hết số cây giống và năm nay chị đã tăng lên 50 vạn cây. Số cây giống cung cấp cho các khu rừng nhà chị Mộc và bán cho nhiều hộ trong xã. Cũng từ các lớp học nghề, xã Thanh Sơn đã có nhiều người làm kinh tế giỏi như ông Nịnh Văn Bình, nuôi bò ở thôn Bắc Vàn, anh Đàm Văn Cường trồng trà hoa vàng hay anh Triệu Văn Tuấn với mô hình nuôi gà đồi ở thôn Khe Loọng Ngoài...
Đoàn Thanh niên huyện Ba Chẽ cũng chú trọng trong việc đào tạo nghề cho thanh niên. Những năm trước đó, Huyện Đoàn phối hợp với một số tổ chức, ban, ngành của huyện tạo ra các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để thanh niên tham gia, như các mô hình chăn nuôi gà đồi, trồng nấm linh chi, trồng trà hoa vàng, trồng cây ba kích... Kết quả đã giúp hàng trăm hộ thanh niên thoát nghèo, nhiều thanh niên làm giàu.
Nhưng diện tích rừng, ruộng chỉ có hạn, nên từ đầu năm 2021, Huyện Đoàn Ba Chẽ đã chuyển hướng đi mới, tổ chức cho thanh niên đi tham quan học tập trao đổi nghề nghiệp, nhằm hướng nghiệp và tạo nhiều hơn việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Huyện Đoàn đã tổ chức cho hàng trăm thanh niên đi tham quan trải nghiệm thực tế tại Công ty CP Nhựa Kiên An, thuộc TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hiện Công ty Nhựa Kiên An đã thành lập Công ty CP Sàn ANZ tại Cụm công nghiệp Nam Sơn (Ba Chẽ) rất cần nhiều lao động. Cũng trong năm 2021, Huyện Đoàn Ba Chẽ đã tổ chức cho hơn một trăm ĐVTN tại các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Nam Sơn đi tham quan thực tế tại một số đơn vị đào tạo công nhân lao động và sản xuất than của TKV.
Từ các cuộc tham quan trải nghiệm này, sẽ hướng nghiệp, giúp thanh niên hiểu được nghề mà mình sắp học rồi quyết định chọn nghề. Nhiều thanh niên đã thay đổi nhận thức, tự tìm hiểu và tham gia các lớp học nghề rồi trở thành công nhân của Khu công nghiệp Texhong Hải Hà và một số đơn vị sản xuất than của TP Cẩm Phả.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()