Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:53 (GMT +7)
Đạo đức người làm báo trong thời kỳ 4.0
Thứ 5, 15/06/2023 | 10:18:40 [GMT +7] A A
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...” (Hồ Chí Minh toàn tập). Trong thời đại 4.0 hiện nay, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, đạo đức của người làm báo càng phải được đề cao và là vấn đề cốt lõi trong hoạt động báo chí.
Những năm gần đây, hòa với dòng chảy của báo chí Việt Nam, báo chí Quảng Ninh không ngừng phát triển về quy mô, cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động báo chí cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, thực sự đồng hành với công cuộc đổi mới của tỉnh và thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Đội ngũ những người làm báo Quảng Ninh đã trưởng thành, vững vàng, tự tin làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm trong thực tiễn cuộc sống, cũng như nền tảng lý luận để tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đội ngũ những người làm báo Quảng Ninh không ngại khó khăn, sẵn sàng lăn xả vào vùng nguy hiểm để có những tác phẩm báo chí vừa mang tính thời sự, vừa có giá trị tư tưởng cao.
Trong 3 năm chống dịch Covid-19, báo chí Quảng Ninh đã thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và có những cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tại Trung tâm Truyền thông tỉnh, các phóng viên không quản hiểm nguy bám sát hiện trường, dấn thân tác nghiệp, để kịp thời chuyển tải, cung cấp những thông tin thời sự, nóng hổi, chân thật nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với Trung tâm Truyền thông tỉnh, trên địa bàn Quảng Ninh còn có 44 cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, với 128 phóng viên thường trú, cùng 13 trung tâm truyền thông và văn hóa cấp huyện cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền, chung tay cùng tỉnh phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, công tác truyền thông y tế ngày càng được quan tâm và phát triển hơn trước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như giai đoạn vừa qua và hiện nay, các thông tin y tế sức khỏe trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Lực lượng báo chí phát huy vai trò hết sức quan trọng của mình trong việc xây đắp niềm tin của xã hội vào thời điểm dịch bệnh đang hoành hành. Đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; niềm tin vào ý chí, quyết tâm và các biện pháp phòng chống dịch hiện nay; niềm tin vào tinh thần đoàn kết, những giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhân ái trong xã hội. Trong thư gửi các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngợi khen, đánh giá cao "những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy, vào giữa tâm dịch để viết tin, bài".
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài: Infographic, megastory, e-magazine, long-form... đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ.
Không những thế, một nhà báo ngoài việc thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Phương tiện tác nghiệp của nhà báo giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay, mà nhiều khi phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ” để nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó là đến với bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Song hành cùng với yêu cầu phải đổi mới là những thách thức - mặt trái của cuộc cách mạng 4.0, điển hình là nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai lệch, hoặc giả mạo, được đăng tải trên mạng xã hội. Rất nhiều người đưa thông tin lên mạng xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho báo chí hiện nay khá đa dạng, trong đó nhiều người không trải qua trường lớp đào tạo, cẩu thả, tùy tiện trong viết lách; có cả những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” đánh mất đạo đức nghề nghiệp, trục lợi cá nhân; có những người mượn danh xưng “nhà báo” để uy hiếp người dân, cơ quan, doanh nghiệp... bị cám dỗ vật chất, bị cuốn theo thông tin và lợi ích trước mắt, dễ bỏ qua những khâu kiểm chứng nguồn tin. Vì thế, những sai sót, sai phạm, nhầm lẫn thông tin do vô tình hay cố ý là điều khó tránh khỏi. Những điều đó ít nhiều đã làm xấu đi hình ảnh của báo chí, nhiều người đánh đồng báo chí với mạng xã hội, khiến niềm tin với báo chí bị giảm sút.
Không chỉ vậy, các thế lực thù địch luôn triệt để lợi dụng không gian mạng để tung các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, hoặc những luồng thông tin có chiều hướng tiêu cực một cách tinh vi để chống phá Đảng và Nhà nước. Nếu những người làm báo không giữ vững bản lĩnh chính trị, không sáng suốt và tỉnh táo để nhận diện, đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái thì rất dễ bị qua mắt, thậm chí bị lôi kéo theo những tư tưởng đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp chính là kim chỉ nam của mỗi người làm báo trong bất kì hoàn cảnh nào.
Anh Vũ Tiến Dũng, phóng viên thường trú Báo Công Thương, chia sẻ: Sự phát triển không ngừng của KHCN đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho quá trình tác nghiệp, cũng như quá trình sáng tạo nên các sản phẩm báo chí hay, có chất lượng cao của người làm báo, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức buộc những người làm báo phải vượt qua. Thách thức trong việc nhận diện, đấu tranh với thông tin bịa đặt, xấu độc, thách thức trong việc vượt qua bản thân khỏi yếu tố tác động bên ngoài để có những tác phẩm có “tâm”, có “tầm” thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của nhà báo. Các nhà báo trẻ như chúng tôi phải liên tục đổi mới, sáng tạo, nhanh nhạy và kịp thời. Đồng thời, phải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đó là những yếu tố cần thiết để đội ngũ nhà báo trẻ đứng vững và khẳng định mình trong thời đại cách mạng 4.0 - thời đại công nghệ số.
Trong việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các hội viên, Hội Nhà báo Quảng Ninh luôn quan tâm đào tạo về đạo đức báo chí cho phóng viên, coi đây là điểm nhấn trong các mô hình đào tạo. Việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam luôn là tiêu chí quan trọng để các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí ở tỉnh coi trọng khi xét thi đua, khen thưởng. Hằng tháng, trong giao ban báo chí của tỉnh, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh đều báo cáo, đánh giá tình hình việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Theo đó, những tập thể, cá nhân gương mẫu chấp hành nghiêm quy định đều được biểu dương. Ngược lại, những cá nhân có những hành vi chưa chuẩn mực đều bị phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh. Những vi phạm đã được Hội Nhà báo tỉnh xử lý nghiêm túc. Những hành vi chưa chuẩn mực phần lớn vi phạm quy định ở Điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024 đến nay, Hội Nhà báo tỉnh đã đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam xoá tên 2 hội viên; xử lý bằng các hình thức kỷ luật khác 3 trường hợp.
Theo nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, hằng năm hội đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, tổ chức, tạo điều kiện tham gia học tập, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, giúp cho hội viên nắm rõ quan điểm, đường lối, chính sách, chấp hành và làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Hội cũng phối hợp với các cơ quan báo chí tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, hội viên tham gia các hội nghị quán triệt. Các chi hội cần tiếp tục vận dụng, gắn việc thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thấm nhuần lời dạy của Bác về vai trò, vị trí người làm báo cách mạng, học tập phong cách làm báo của Bác; tổ chức quán triệt, triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội đến toàn thể cán bộ, hội viên... Từ đó, nâng cao phẩm chất chính trị, xây dựng đội ngũ làm báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, thích nghi và phát triển trong thời đại 4.0.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()