Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:29 (GMT +7)
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Tình yêu khán giả vẫn vậy
Chủ nhật, 04/09/2022 | 21:30:56 [GMT +7] A A
Có cơ hội thực hiện cả hai thể loại phim chiếu rạp lẫn truyền hình, tôi nhận ra rằng để phim truyền hình chiếm được tình cảm khán giả cần phải làm rất nhiều việc.
Sức sống của phim điện ảnh chỉ kéo dài khoảng vài tuần khi phim còn chiếu rạp. Còn một bộ phim truyền hình thành công, niềm vui ấy kéo dài đến 4 tháng trong thời gian phim phát sóng. Nhà nhà xem, người người xem. Người ta bảo thanh xuân của tôi là những bộ phim truyền hình chứ có ai nói phim chiếu rạp là thanh xuân tôi đâu. |
Đặc biệt trong giai đoạn này làm phim truyền hình khó hơn. Ngày xưa giải trí chính của mọi người là xem truyền hình. Nhà đài cho gì coi đó, còn bây giờ có quá nhiều lựa chọn: xem trên YouTube, dịch vụ OTT, nhiều web drama xem hoàn toàn miễn phí lại có thể xem giờ nào cũng được... Phim truyền hình vì vậy bị cạnh tranh hơn rất nhiều.
Tuy nhiên trong cái khó ấy nếu biết tận dụng, phim Việt vẫn có cơ hội được lan tỏa nhiều hơn. Công nghệ sản xuất phim Việt cần được cải thiện ngang hàng với phim nước ngoài.
Để không chỉ có khán giả trong nước, phim Việt còn có thể đến với khán giả quốc tế thông qua việc bán cho dịch vụ xem trả tiền như các phim điện ảnh Việt đang từng bước làm. Làm được điều này cần có thời gian vì thực tế hiện nay Việt Nam chưa có phim nào hay.
Vì sao nhiều diễn viên, đạo diễn giỏi ở lĩnh vực điện ảnh không qua làm phim truyền hình? Câu trả lời đơn giản là cátsê của phim truyền hình quá bèo bọt.
Nếu phim điện ảnh thực hiện chỉ hơn 1 tháng thì 30 tập phim truyền hình mất từ 5 đến 6 tháng mới xong. Thời gian dài nhưng cátsê không hơn phim điện ảnh. Làm phim điện ảnh còn được thưởng nếu có nhiều khán giả đến rạp xem phim.
Phim truyền hình không có chuyện này. Nhiều anh em trong nghề tâm sự với tôi họ làm phim truyền hình về thời Pháp mà chi phí sản xuất chỉ 120 triệu đồng/tập. Với số tiền ấy sao lại có thể làm được. Vậy mà các anh vẫn làm đều đều.
Thật là giỏi, tôi cảm phục vô cùng. Bản thân tôi làm phim truyền hình chỉ bởi vì quá yêu thích. Một bộ phim truyền hình thành công có khi hạnh phúc gấp cả 1.000 lần phim chiếu rạp.
Nói như vậy để thấy phim truyền hình có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Sự đam mê của khán giả theo thời gian có thể có sự xê dịch nhưng tình yêu với phim truyền hình thì vẫn đó.
Chỉ có điều các nhà làm phim chưa có bộ phim hay để lấy được tình yêu đó thôi. Muốn lấy được tình yêu, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cần thu hút nhân tài. Thật sự những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền tảng OTT, phim truyền hình được đầu tư cao. Tôi được biết có phim đầu tư mấy tỉ đồng cho một tập.
Nhưng chủ yếu tiền sản xuất đổ vào máy móc, thiết bị, còn tiền cátsê diễn viên, đạo diễn, êkip sản xuất vẫn vậy. Nhân tài trong giới làm phim đã ít lại còn không chịu làm phim truyền hình thì lấy đâu ra phim hay.
Vì vậy ngoài đầu tư máy móc, đầu tư con người quan trọng không kém. Tôi làm phim truyền hình vì thích chứ không vì tiền, nhưng tôi mong có nhiều tiền sản xuất hơn để anh em mình làm chỉn chu, không vội vội vàng vàng vì sợ chậm tiến độ.
Ở nước ngoài, người làm nghề được sống và làm giàu bằng nghề, còn ở Việt Nam tiền cátsê ít nên người làm phim nhận gối đầu hết phim này đến phim kia không có thời gian đầu tư cho phim, cho vai diễn.
Con người làm nên chất lượng bộ phim chứ không phải máy móc. Nếu lôi kéo được những người làm phim tài năng về, phim Việt nhất định sẽ thành công.
Tôi mong muốn xu hướng phim chữa lành sẽ được các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn nữa. Trong thời gian qua phim truyền hình Việt khai thác cái xấu của xã hội quá nhiều. Khán giả xem phim xong cảm thấy giống như cái ác được tôn vinh, ít nhiều cảm thấy ức chế, mất niềm tin cuộc sống.
Trong khi đó khán giả nhớ nhiều là những phim nói về tình yêu thương, mang thông điệp chữa lành. Đừng để khán giả xem phim Việt xong thấy sao toàn điều ác ngoài đường, hãy chỉ ra rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp lắm.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()