Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:00 (GMT +7)
Đạo diễn Nguyễn Nam mang Tết Việt tới bạn bè quốc tế
Thứ 5, 20/01/2022 | 23:13:12 [GMT +7] A A
Sau một năm bận rộn và đầy thử thách với loạt chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỉ, Hành lý tình yêu... đạo diễn Nguyễn Nam nói Tết là dịp cho những điều đặc biệt.
Các chương trình truyền hình phát sóng dịp chuẩn bị đón Tết luôn được ekip xây dựng nội dung đặc biệt hơn thường lệ, mang đậm màu sắc truyền thống Việt Nam, vậy với một chương trình hội ngộ các khách mời "5 châu 4 biển" như Nhập gia tùy tục (NGTT) anh đã chọn ý tưởng gì cho tập phát sóng này?
- Mỗi gia đình khi Tết đến thường tìm cách trang trí nhà cửa để tạo nên không khí mới, còn với những người làm NGTT đây là năm đầu tiên chương trình được ra mắt khán giả và lần đầu có những người bạn nước ngoài đến cùng đón Tết. Những nhân vật của NGTT đều đã có nhiều năm sống ở Việt Nam nên có cảm nhận, suy nghĩ khá sâu sắc, ấn tượng về văn hóa, phong tục tập quán ngày Tết, các món ăn... Đón Tết ở Việt Nam đồng nghĩa với việc những người bạn quốc tế ấy không được đón dịp lễ hội truyền thống ở quê nhà. Nhưng giữa một đất nước tưởng như xa lạ thì Tết Việt vẫn giúp cho họ có cảm giác gần gũi, ấm áp, hạnh phúc. Chúng tôi cố gắng mang sự nồng ấm, hiếu khách của người Việt đến cho các khách mời.
Có không ít chương trình đã khai thác cách người nước ngoài đón Tết ở Việt Nam, theo anh điều gì sẽ là nét riêng và tạo ấn tượng ở NGTT?
- Tại NGTT, chúng tôi có nhiều nhân vật đến từ các đất nước, các châu lục khác nhau, đưa các quan điểm khác nhau. Mỗi chủ đề đưa ra đều được hâm nóng và "sôi sùng sục" bởi nhiều ý kiến, không phải là trái chiều mà đó là những quan điểm khác biệt được xây dựng trên từng nền văn hóa, từng đất nước, đem lại cho chúng ta góc nhìn đa dạng, chứ không đi tìm kết luận đúng hay sai.
Một cái Tết Việt Nam được thể hiện trên NGTT có khá nhiều khác biệt: những người chưa từng lập gia đình, cùng ngồi với những người từng lấy vợ/chồng Việt Nam để đối chiếu lại những câu chuyện xảy ra với họ. Chúng tôi mong muốn tạo ra một mâm cơm tết đầy ấm cúng và trọn vẹn cho tất cả các bạn người nước ngoài cùng thưởng thức và chia sẻ với nhau. Đó là sự đa dạng về văn hóa, về ẩm thực và cả về nụ cười. Các khách mời quốc tế đã đem đến sự giao lưu văn hóa một cách thẳng thắn, nghiêm túc, không sáo rỗng. Bởi vì họ trẻ, họ đã trải nghiệm nhiều đất nước khác nhau và họ mang một trái tim rộng mở khi đến Việt Nam, ở lại đây sinh sống làm việc. Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng thoải mái thư giãn khi có đội ngũ khách mời thật là tuyệt vời.
Và hình ảnh Tết mà tôi muốn gửi tết cho các khách mời và cả khán giả chính là màu sắc ấm áp, một cành mai một cành đào, một nồi bánh chưng một nồi bánh tét. Cùng với đó là những bản nhạc Xuân, nhạc Tết rất hay mà năm này qua năm khác, vùng này qua vùng khác, đâu đâu chúng ta cũng nghe thấy. Đó là những lời tràn ngập yêu thương và lời chúc năm mới tốt lành cho tất cả mọi người. Đó cũng là tín hiệu cho chúng ta biết được, ngày sum vầy, ngày tụ họp đã đến gần với rất nhiều tình yêu thương.
Cá nhân anh cảm nhận như thế nào về tình cảm của các khách mời quốc tế với ngày Tết ở Việt Nam?
Tôi nhận thấy họ rất yêu thích và trân trọng Tết Việt. Người nước ngoài đến với một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, không có người thân nếu như vào ngày Tết được mời đến một gia đình ở Việt Nam sẽ cảm giác cực kỳ thú vị, háo hức. Bởi vì văn hóa của người Việt Nam chúng ta là sau khi đến thăm một gia đình, rồi sẽ lại cùng nhau đi đến thăm các gia đình khác, có khi đến thăm hết cả một làng. Điều đó như thể một dây chuyền tình cảm được nối dài vào những ngày Tết đến và hạnh phúc được luân chuyển, lan tỏa khắp mọi nơi.
Trong số các nhân vật, khách mời ở NGTT số Tết, có câu chuyện, nhân vật hay kỉ niệm nào khiến cho anh ấn tượng?
- Có rất nhiều câu chuyện thú vị về việc đón Tết của những người bạn nước ngoài. Ví dụ như Cee Jay, trong những năm đầu tiên đón tết ở Việt Nam, cậu ấy đã phải ăn mì gói suốt tuần vì chưa quen với việc người Việt Nam mình mỗi lần Tết đến thì hay về quê và hàng quán thì ít mở cửa. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến câu chuyện của bạn An Di đến từ Lào. Tôi được biết văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào cũng có nhiều nét tương đồng nhưng đến khi nghe An Di kể về Tết Lào, tôi khá ngạc nhiên. Người Lào thường đón Tết vào tháng 4, khi đón tết thường sẽ có Lễ buộc cổ tay và Lễ té nước. Người Lào cũng sẽ đi chùa vào dịp tết, cùng với đó là Lễ cúng Phật, tắm Phật, rước Phật.
Sau khi trải qua một năm đầy biến động, thử thách nhưng cũng thành công trong việc nỗ lực thực hiện nhiều chương trình truyền hình trên sóng VTV, anh chọn cách thưởng Tết như thế nào?
- Ý tưởng về Tết thì mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau, có thể đơn giản chỉ là may một bộ đổ đẹp để chào đón một năm mới nhưng tâm lí luôn là cố gắng làm một điều gì đó đáng nhớ. Cá nhân tôi cũng không ngoại trừ bởi Tết đối với tôi là một điều cực kỳ quan trọng. Tôi muốn được về nhà, ở gần mẹ, ở gần các anh chị em trong gia đình cùng người thân, ăn những bữa com đơn giản vô cùng nhưng lại ngon một cách đặc biệt.
Vào mùa Tết, không khí sẽ khác ngày thường bởi mùi nhang Tết văng vẳng và lan tỏa, đó là đặc trưng của một mùa có sự ấm cúng hơn. Ngày Tết, dù bạn ở đâu, hãy nên về nhà, ôm mẹ vào lòng, hôn một nụ hôn, ăn một bữa cơm đoàn viên với gia đình, có một cái Tết đầm ấm và một sự khởi đầu mới thật tuyệt vời. Sau những khó khăn và thử thách của năm vừa qua, tôi cũng mong muốn chúc quý vị và các bạn luôn dồi dào sức khỏe vì sức khỏe là quan trọng nhất, có sức khỏe thì chúng ta có thể làm mọi thứ.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()