Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:48 (GMT +7)
“Nghệ sĩ sân khấu Quảng Ninh đã có nỗ lực rất lớn...”
Chủ nhật, 21/11/2021 | 14:49:38 [GMT +7] A A
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu hiện là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Ông là một trong những tên tuổi ăn khách của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, không chỉ trên sàn diễn sân khấu mà cả điện ảnh. Gần đây, ông cũng nhận được lời mời dựng vở tại các nhà hát miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh.
Nhân dịp đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu về dựng vở kịch "Non thiêng" cho Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh tham gia Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra tại TP Hải Phòng, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông.
- Chúc mừng đạo diễn và ê kíp đã hoàn thành tốt vở diễn. Thưa ông, với một đạo diễn miền Nam lần đầu tiên ra Bắc dựng vở cho Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, liệu ông có gặp nhiều khó khăn?
+ Đúng là như anh nói. Rất khó. Mà có quá nhiều cái khó. Thứ nhất là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với các nghệ sĩ Quảng Ninh. Mình chưa quen với lối diễn của các bạn. Các bạn có một kiểu diễn riêng. Mình luôn tự hỏi phải làm sao để cho dung hòa phong cách của người làm kịch miền Nam với miền Bắc để tạo cho ra sắc thái kịch mới mà tiếp cận với mình.
Thứ hai là làm đúng đề tài kịch mang tính chất rất khô khan; khó về mặt cấu trúc kịch vì không có xung đột mà vẫn phải miêu tả cho được cả cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tôi nghĩ, đó không chỉ là thách thức đối với riêng tôi mà bất cứ đạo diễn nào kể cả tác giả biên kịch nữa khi nhận vở này. Dựng vở phải làm sao để toát lên cho được cái thần thái của Phật hoàng trong nhân vật, toát lên cho được cái triết lý, Phật pháp của Thiền phái Trúc Lâm mà ngài gây dựng. Quả thực là rất khó cho tôi. Khi dựng vở tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về vấn đề lịch sử và tiểu sử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
- Còn cái khó nào nữa, thưa ông?
+ Cái khó thứ ba là vấn đề di chuyển. Thời gian dựng vở rơi đúng vào thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh. Vì thế, mà tôi rất khó khăn trong việc di chuyển. Có lúc tôi tưởng như đã không ra được. Thế nhưng, khi ra được rồi thì ngặt nỗi thời gian đến hội diễn đã gần kề. Vì vậy, quỹ thời gian dành cho việc dựng vở cũng chỉ được một tuần. Đó là cái rất khó với tôi trong việc tiếp cận kịch bản, tiếp cận diễn viên. Tất cả đều mới, đều lạ, thời gian lại eo hẹp.
Vì thế, vở diễn đến đâu tôi không tự đánh giá được mà nhường điều đó cho khán giả. Nhưng có một điều tôi thấy, tất cả các bạn đã có sự nỗ lực rất lớn. Tôi rất biết ơn các bạn diễn viên, biết ơn lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao mà trực tiếp là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã mời tôi cộng tác cùng các bạn thực hiện vở diễn này. Các bạn đã dành cho tôi một ưu ái, một vinh dự rất lớn được cộng tác để cùng quảng bá tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu kịch.
- Có vẻ ông khá khiêm tốn khi nhận xét về vở diễn. Trong khi đó, Hội đồng Nghệ thuật của buổi tổng duyệt dành khá nhiều lời khen cho vở diễn?
+ Xin cảm ơn những lời nhận xét của Hội đồng. Tuy nhiên, tôi cũng biết còn nhiều điểm chúng ta phải làm, phải khắc phục, chứ không thể chủ quan được với những lời khen. Thực tình, trong quá trình tập dựng vở, tôi thấy diễn viên nhất là diễn viên đóng những nhân vật chính có những lúc lựng khựng chưa thuộc lời. Sự nhuần nhuyễn giữa các diễn viên cũng chưa được cao. Không phải bao biện cho diễn viên đâu nhưng quả là cũng vì thời gian quá eo hẹp.
Chúng tôi đã cố gắng khắc phục từng bước hoàn tất, đã nghiên cứu rất kỹ để thực hiện những góp ý của Hội đồng Nghệ thuật ở buổi tổng duyệt cho đến lúc diễn chính thức tại Liên hoan ở bên TP Hải Phòng.
- Là một đạo diễn sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, lần này ra Bắc dựng vở, ông thấy sân khấu miền Bắc thế nào?
+ Bên trên tôi đã nói, các bạn nghệ sĩ miền Bắc có kiểu diễn riêng. Tuy nhiên, theo tôi sân khấu miền Bắc nên thay đổi. Chính kịch hay bi kịch chỉ mang tính chất thể loại trong quan niệm làm nghề. Còn tôi nghĩ, kịch cứ đến với khán giả được là tốt. Mỗi thể loại kịch đặt ra một vấn đề, một hình thức hay một kiểu nào đó. Không ai bắt chính kịch phải tuyệt nhiên vắng tiếng cười, hay hài kịch thì không thể nói những vấn đề nghiêm túc. Tôi thấy nhiều vở chính kịch nặng về chủ đề quá, cứ như là mỗi vở phải có tuyên ngôn, thông điệp trong khi hình thức lại không nhuần nhuyễn. Vở kịch diễn ra cũng như chúng ta nói chuyện với nhau.
- Nghĩa là sân khấu miền Bắc phải mang tính giải trí như kiểu miền Nam, thưa ông?
+ Theo tôi, sân khấu bản chất mang tính giải trí. Thông qua tính giải trí, người nghệ sĩ mới gửi gắm điều gì đó. Còn hiện nay, nó vẫn nửa vời. Những vở diễn ở TP Hồ Chí Minh nặng về giải trí, đến nỗi các nghệ sĩ quên mất mình muốn nói gì. Họ cứ trêu đùa, trọc ghẹo vậy thôi. Trong khi đó, theo tôi sân khấu miền Bắc nên mềm mại hơn. Và sân khấu miền Nam thì cần nghiêm túc hơn. Hai cái này nên bổ sung cho nhau.
- Sân khấu miền Bắc mà cụ thể là Quảng Ninh mời ông, một đạo diễn miền Nam ra dựng vở. Theo ông, sân khấu miền Bắc cần bổ sung gì từ sân khấu phía Nam?
+ Tôi nghĩ, khán giả cũng muốn thay đổi. Vì thế nghệ sĩ cũng phải thay đổi theo, cách dựng vở cũng phải thay đổi. Các bạn mời tôi ra đây dựng vở nhằm mục đích đa dạng phong cách, màu sắc chứ không phải tôi giỏi giang gì đâu (cười). Còn mời tôi dựng chính kịch miền Bắc vì có lẽ họ cho rằng tôi làm công tác giảng dạy nên cái gì cũng phải chỉn chu. Làm ở môi trường đậm chất giải trí ở sân khấu miền Nam song tôi vẫn đi theo dòng chính kịch. Vở “Non thiêng” cũng vậy. Tôi đã đưa tính giải trí vào trong đó. Anh xem thì sẽ nhận ra.
- Cám ơn Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu sinh năm 1959, tại Gò Công, Tiền Giang. Trước khi làm phát thanh viên của Đài Truyền thanh huyện Gò Công Đông, ông làm Trưởng đoàn Ca múa nhạc kịch thanh, thiếu niên xã khi mới 18 tuổi. Sau đó ông lên Sài Gòn, dự thi vào Khoa Đạo diễn, Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp ra trường, ông được giữ lại làm giảng viên phụ giảng ở khoa cải lương, rồi thuyên chuyển về khoa kịch và đạo diễn, đã đào tạo nên nhiều thế hệ ngôi sao: Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân, Quốc Thảo, Phước Sang, Mai Dũng, Phương Bình... Sau đó, Ngọc Giàu tiếp tục với vai trò đạo diễn “mát tay” cho hàng loạt vở diễn đình đám trên truyền hình, trên sân khấu mà đi đến đâu, tên tuổi Trần Ngọc Giàu cũng luôn được chào đón. Một số vở diễn tiêu biểu của ông như: “Điểm hẹn vùng ven”, “Đối mặt” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Gió không thổi từ biển” của nhà văn Chu Lai), “Đồng đen”, “Lá sầu riêng”, “Tướng cướp Bạch Hải Đường”, “Áo cưới trước cổng chùa” v.v.. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012, 2 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh. |
Liên kết website
Ý kiến ()