Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:19 (GMT +7)
Đánh thức tình yêu văn hóa dân gian trong giới trẻ
Chủ nhật, 02/08/2020 | 13:37:40 [GMT +7] A A
Từ những lớp học hát xẩm miễn phí, đến ý tưởng lồng ghép âm nhạc dân gian vào trong những trại hè bổ ích dịp hè này... Những cách làm đầy sáng tạo và chủ động đưa nghệ thuật dân gian tìm đến các bạn trẻ đã giúp đánh thức tình yêu văn hóa dân gian trong họ.
Buổi sinh hoạt của CLB Hát xẩm tại thôn Hiệp An II, phường Phương Nam, TP Uông Bí. |
“Em thực sự thích xẩm” – “Hóa ra hát xẩm không khó như em tưởng” – đó là những cảm nhận đầu tiên của các bạn trẻ tại thôn Hiệp An II, phường Phương Nam (Uông Bí) khi lần đầu tiếp xúc với xẩm.
Các bạn đều là học viên của lớp học hát xẩm do nghệ sĩ xẩm Thu Phương mở miễn phí tại nhà văn hóa khu Hiệp An II. Đều đặn hàng tuần, những làn điệu xẩm được cô trò ở đây luyện tập một cách say sưa. Không những thế, các bạn còn được hướng dẫn cách sử dụng trống, sênh, phách cho đều và chuẩn nhịp.
Mặc dù lớp học được mở chưa lâu và mới thu hút khoảng chục học sinh theo học, nhưng đáng mừng là không chỉ các bạn nữ mà cả các bạn nam đều rất hào hứng với bộ môn nghệ thuật dân gian này.
Em Hoàng Văn Tới – học viên lớp học chia sẻ: Em khá bất ngờ khi biết hát xẩm thực ra dựa trên nền thơ lục bát của Việt Nam nên chỉ cần thuộc thơ là có thể biến bài thơ đó thành một bài hát xẩm. Các bạn cũng tiếp thu rất là nhanh. Chúng em mong muốn môn nghệ thuật này sẽ phát triển và được nhiều bạn trẻ yêu thích hơn nữa.
Còn em Hoàng Thị Khánh, khu Hiệp An II, phường Phương Nam, hào hứng cho biết: Chúng em rất thích âm hưởng dân gian của hát xẩm. Lúc đầu khi mới tiếp cận hát xẩm cũng thấy chưa quen nhưng sau đó càng học càng hứng thú hơn và không thấy nó khó nữa.
Nghệ sĩ Thu Phương và nghệ sĩ Mạnh Cường hướng dẫn các học viên hát xẩm kết hợp sử dụng sênh, phách. |
Hỗ trợ cho lớp học có cả những già làng có kinh nghiệm trong chơi đàn nhị. Ông Đặng Văn Chiệm (79 tuổi), là người trong làng, nghệ nhân chơi đàn nhị từ năm 12 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tình nguyện tham gia cùng lớp học, say sưa đàn hát cho các bạn trẻ. Tiếng phách, sênh hòa với tiếng đàn nhị đã mang cả một chiếu xẩm thấm đẫm hồn Việt về nơi làng quê thanh bình.
Và không chỉ có vậy. Lớp học nhỏ còn mời được cả những nghệ nhân ở các tỉnh thành khác về để hướng dẫn cho các bạn trẻ. Anh Lê Mạnh Cường, Chủ nhiệm nhóm hát xẩm ở TP Hồ Chí Minh - nhân chuyến công tác ra Hà Nội cũng lặn lội về Quảng Ninh để giúp nghệ sĩ Thu Phương truyền dạy hát xẩm cho các bạn.
Anh Cường chia sẻ: Mình mong muốn với những hiểu biết về bộ môn hát xẩm, mình có thể hướng dẫn cho các bạn về cách gõ nhịp, kéo đàn, hát sao cho mộc mạc, đơn giản nhất và để các bạn cảm thấy hát xẩm không khó. Mình rất vui khi thấy các bạn ở đây khá là say sưa với xẩm. Tới đây, mình sẽ duy trì những lớp học online, ghi lại những video để các bạn có thể cùng mình học xẩm mà không vướng khoảng cách địa lý.
Các bạn nhỏ trong Vườn ươm tài năng của Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Tuần Châu tham gia một buổi học hát xẩm. |
Không chỉ đưa xẩm về miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên, Thu Phương còn đem xẩm đến với các em nhỏ trong Vườn ươm tài năng của giáo sư Ngô Bảo Châu ở Tuần Châu. Xuất phát từ suy nghĩ hát xẩm phải mang tính chất thời đại, nên các bạn học sinh trong vườn ươm tài năng đã được hát một bài hát xẩm với phần lời chính là bài thơ Mẹ của tác giả Trần Quốc Minh trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2.
Thu Phương chia sẻ: Thực ra việc đào tạo các bạn ấy không phải với mục đích để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà đây đơn thuần là một môn học giúp các bạn hiểu sâu sắc hơn về âm nhạc dân gian. Để xẩm gần gũi hơn với các bạn thì mình thường đưa những bài thơ đã rất quen thuộc đối với các bạn, lồng ghép các làn điệu xẩm vào. Và với cách truyền dạy đó, mình thấy các bạn dễ thuộc, dễ nhớ hơn. Mình rất mong muốn trong tương lai sẽ có những dự án bảo tồn hát xẩm, có kinh phí để duy trì câu lạc bộ và làm sống lại bộ môn nghệ thuật này.
Nếu bạn nghĩ rằng người trẻ ngày nay đang rời xa dần những giá trị truyền thống. Thì đến với những lớp hát xẩm của các bạn trẻ ở Uông Bí và Tuần Châu, bạn sẽ có thêm niềm tin rằng chỉ cần có cơ hội và có những con người tâm huyết, chắc chắn xẩm nói riêng và những bộ môn nghệ thuật dân gian nói chung sẽ dần hồi sinh và được gìn giữ, bảo lưu nguyên vẹn bởi chính những người trẻ - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Hát xẩm là một lối diễn xướng dân gian trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam, được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XIV. Xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu, và hơn 400 lời, trong đó các làn điệu phổ biến là: Xẩm Thập Ân, xẩm Huê Tình, xẩm Hà Liễu, xẩm Ba Bậc, xẩm Trống Quân, xẩm Hò Khoan, xẩm Phồn Huê, xẩm Chợ, xẩm Sai, xẩm Ngâm Vịnh và Hát Ai. Riêng Hà Nội có một dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, đó là xẩm Tàu điện vì nó thường được hát trên tàu điện, ra đời vào đầu thế kỷ 20. |
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()