Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:14 (GMT +7)
Đánh thức tiềm năng Ngọc Vừng
Thứ 6, 26/05/2023 | 11:00:20 [GMT +7] A A
Nằm giữa 2 đảo đá nhỏ là Hòn Nét và Phượng Hoàng, đảo Ngọc Vừng còn được gọi là đảo Ngọc, nơi hội tụ những giá trị khác biệt, tiềm năng, thế mạnh nổi trội về tự nhiên - văn hoá - con người. Ngọc Vừng là một điểm đến hoang sơ đang được đánh thức.
Một trong những nét đặc sắc của hòn đảo này chính là bãi cát tự nhiên dài 3km phẳng mịn, nước biển trong, vừa hấp dẫn du khách, vừa thuận lợi cho người dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Đến Ngọc Vừng, du khách hoàn toàn có thể yên tâm khi thưởng thức các món hải sản đậm chất địa phương.
Nơi đây có hồ chứa nước ngọt, nên việc canh tác nông nghiệp (trồng lúa và hoa màu) của bà con rất thuận lợi. Nhiều loại nông sản của Ngọc Vừng được người dân ưa chuộng bởi vị đậm đà, như lạc, khoai lang... Tuy nhiên, bởi diện tích ít nên hầu như chỉ đủ cung cấp cho người dân địa phương, du khách trên đảo vào mùa du lịch.
Đến Ngọc Vừng, cùng với bãi biển, du khách có thể tham quan các di tích lịch sử: Khu lưu niệm Bác Hồ; ngắm đảo trên cao từ đồi pháo 12,7 ly, Cột cờ; đi bắt ốc, cào ngao, đào sá sùng; đạp xe qua rừng phi lao ven biển, tham quan, tìm hiểu cuộc sống của người dân trên đảo.
Xã hiện có 8 cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống đặc sản biển (chủ yếu tại khu vực bãi biển); 6 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn với trên 120 phòng; 28 hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phát triển du lịch đến nay chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã. Những giá trị khác biệt, nổi trội mà thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo này vẫn chưa được phát huy, chưa trở thành nguồn lực để tạo ra của cải vật chất, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động du lịch tại địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, đơn điệu, thiếu các sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, thiếu sự liên kết du lịch; chưa có hệ thống hạ tầng dịch vụ, du lịch hiện đại; một số dự án đầu tư về du lịch đã được nghiên cứu, nhưng triển khai chậm.
Để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, biến địa phương này trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, gắn với 4 giá trị trụ cột: Tự nhiên - Văn hoá - Con người, với phương châm “3 giữ, 5 nâng” (giữ gìn cảnh quan tự nhiên; giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hoá con người chân thành, hào sảng, nghĩa tình, văn minh; nâng cao nhận thức của nhân dân; nâng cao hạ tầng cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao hiệu quả truyền thông, xúc tiến du lịch; nâng cao năng lực kết nối du lịch địa phương).
Xã đề xuất tỉnh và huyện thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách để hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ, du lịch hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng, gắn với giữ gìn và phát huy cảnh quan tự nhiên; công bố Ngọc Vừng trở thành điểm, khu du lịch cấp tỉnh, là điểm kết nối trong các hành trình du lịch của tỉnh và khu vực; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, bến cảng, đa dạng các loại hình vận tải giao thông thủy để phục vụ di chuyển của du khách; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, gắn kết du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá, giáo dục, có sự tham gia của nhân dân để lan tỏa các giá trị lợi ích đến toàn xã hội.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()