Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:27 (GMT +7)
Dành nhiều nguồn lực để chăm lo và đảm bảo chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc hóa học
Thứ 2, 09/08/2021 | 14:59:17 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn dai dẳng, qua nhiều thế hệ, bởi những di chứng của chất độc hóa học (CĐHH). Quan tâm, chăm lo, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách đối với những nạn nhân CĐHH là một trong những vấn đề được tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện thời gian qua. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh (ảnh).
+ Thưa ông, thời gian qua, tỉnh và các ngành chức năng đã quan tâm chăm lo và thực hiện chế độ chính sách như thế nào đối với những nạn nhân CĐHH?
- Hiện tại, tỉnh đang quản lý, thực hiện chế độ chính sách và chi trả trợ cấp hằng tháng đối với 4.701 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH. Trong đó có 3.898 người trực tiếp và 712 người là con đẻ bị dị dạng, dị tật.
Trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó quán triệt đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ và đầy đủ hơn về "thảm họa da cam" ở Việt Nam và những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong việc khắc phục hậu quả CĐHH. Đồng thời, có những chỉ đạo sát sao nhằm tập trung thực hiện tốt, kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách của nhà nước đối với nạn nhân CĐHH trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ và đúng quy định của Nhà nước.
Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi đối với người có công với cách mạng nói chung cũng như đối với nạn nhân CĐHH nói riêng đã được cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng quy định. Ngoài việc thực hiện các chế độ chính sách từ nguồn ngân sách Trung ương, căn cứ vào nguồn ngân sách, hàng năm tỉnh đã cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công tỉnh, mức hỗ trợ 1,4 triệu đồng/người/đợt điều dưỡng hoặc điều dưỡng tại gia đình với mức hỗ trợ 700.000 đồng/người/đợt điều dưỡng; hỗ trợ tổ chức cho đối tượng điều dưỡng tập trung đi tham quan tại các khu di tích lịch sử, văn hóa của đất nước. Vào các dịp lễ, tết, ngoài nguồn ngân sách của tỉnh, các địa phương đều bố trí nguồn ngân sách và vận động xã hội hóa để thăm, tặng quà cho đối tượng người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
Việc quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt chính sách như trên đã góp phần xoa dịu đi những "nỗi đau da cam", nâng cao sức khỏe cho nạn nhân, đồng thời củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh.
+ Cùng với những cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay của toàn xã hội nhằm hỗ trợ tốt hơn những nạn nhân CĐHH trên địa bàn tỉnh thế nào, thưa ông?
- Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng CĐHH vẫn là nỗi đau dai dẳng, nhất là với những nạn nhân bị mắc bệnh liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH, bị dị dạng, dị tật nặng. Trong khi đó, điều kiện chăm sóc, khám, chữa bệnh cho nạn nhân CĐHH ở cộng đồng còn hạn chế, gây nhiều khó khăn cho các đối tượng và gia đình. Mặt khác, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nguồn thu nhập chủ yếu hằng tháng là trợ cấp của Nhà nước.
Để huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc chăm sóc nạn nhân CĐHH, trong những năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để huy động nguồn lực hỗ trợ nhằm hỗ trợ cải thiện nhà ở, giúp đỡ khó khăn, tặng sổ tiết kiệm cho người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân CĐHH; phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong một số nội dung thiết yếu, như: Trợ giúp xây sửa nhà ở; cho vay vốn phát triển kinh tế; trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên, hàng tháng cho một số nạn nhân có bệnh, tật đặc biệt nặng; tặng thẻ BHYT cho thân nhân của nạn nhân CĐHH…
Ngoài nguồn ngân sách theo quy định và nguồn vận động xã hội hóa, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế đặc thù của tỉnh, được thể hiện ở Quyết định 4694/QĐ-UBND năm 2017 về hỗ trợ giải độc và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ninh. Cơ chế riêng này đã tạo thêm nguồn lực để bổ sung hỗ trợ chi phí mua thuốc, thực phẩm chức năng sử dụng trong các đợt trị liệu; hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho đối tượng trong thời gian giải độc; chi phí nhân công cho bộ phận y tế trực tiếp thực hiện công việc giải độc tố, phục hồi sức khỏe.
+ Để việc chăm lo cho nạn nhân CĐHH trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung công việc gì, thưa ông?
- Để công tác ý nghĩa này tiếp tục được thực hiện tốt, các cấp, sở, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, quán triệt, bám sát thực hiện nội dung Chỉ thị số 40-CT/TU (ngày 23/7/2015) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, như: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chính sách đối với các đối tượng; rà soát, thẩm định hồ sơ, kịp thời giải quyết chế độ đối với những đối tượng đã có đủ điều kiện nhưng chưa được hưởng chế độ theo quy định; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp không trung thực, cố tình lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi.
Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐHH; tập trung có trọng điểm vào công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng; thực hiện tốt phương châm “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”; củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác khắc phục hậu quả CĐHH trong chiến tranh, đặc biệt là nhân kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam và 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam 10/8 (1961-2021). Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” nhằm khơi dậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân chất độc da cam; chú trọng việc biểu dương các nạn nhân và gia đình nạn nhân tiêu biểu vượt khó, vươn lên và tổ chức vinh danh các nhà hảo tâm, các tổ chức có nhiều đóng góp, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam...
Bên cạnh đó, cần làm tốt việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm nâng cao mức sống cho người có công với cách mạng, trong đó có chính sách hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nuôi dưỡng đối với những nạn nhân CĐHH bị bệnh, tật nặng phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý tới đối tượng thuộc thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến nhằm kịp thời xem xét, giải quyết chế độ, chính sách về trợ giúp xã hội theo quy định…
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hà (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()