Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:54 (GMT +7)
Danh họa Trần Văn Cẩn và những bức vẽ ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 20/02/2022 | 08:44:40 [GMT +7] A A
Trong sự nghiệp hội hoạ của mình, danh họa Trần Văn Cẩn đặc biệt yêu thích những đề tài ở Quảng Ninh. Ông có duyên nợ thắm thiết với những hầm mỏ và Vịnh Hạ Long - nơi ông từng đến kèm cặp nhiều thế hệ học trò học vẽ.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910 - 1994) quê ở xã Tiền Phong, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Ông chịu ảnh hưởng nghệ thuật từ mẹ mình là một nghệ nhân nặn tò he, làm đèn giấy bằng nan tre. Ông được cha là một nhân viên bưu điện cho lên Hà Nội học nghề thiết kế đồ mộc ở Trường Bách nghệ. Năm 1930, tốt nghiệp, Trần Văn Cẩn vào Nha Trang lập nghiệp nhưng niềm đam mê hội họa đã thôi thúc ông quay lại Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Trần Văn Cẩn là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tốt nghiệp thủ khoa khóa VII (1931-1936) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông là một trong “Bộ tứ danh họa” gồm: Trí (Nguyễn Gia Trí), Vân (Tô Ngọc Vân), Lân (Nguyễn Tường Lân), Cẩn (Trần Văn Cẩn). Ông đã có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam trong công tác đào tạo, công tác Hội Mỹ thuật và trong sáng tác nghệ thuật.
Sự nghiệp sáng tác của Trần Văn Cẩn được ghi nhận qua nhiều tác phẩm trên nhiều chất liệu phong phú như: Lụa, sơn dầu, sơn mài, ký họa màu nước... Giống như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã về Quảng Ninh vẽ về người công nhân trong hầm lò đào than.
Năm 1959, bức tranh “Bác thợ lò” của họa sĩ Trần Văn Cẩn ra đời đã làm lay động biết bao người xem về chân dung của người chủ nhân mới của Vùng mỏ. Bức tranh đã đặc tả sâu nhất thần thái của nhân vật. Bác thợ lò có một khuôn mặt rạng rỡ, các điểm nhấn rất sáng. Cái bát nước trên tay chưa kịp uống cũng nói lên sự thư thái của bác thợ lò trong giờ nghỉ. Chiếc mũ nhựa đội đầu đủ nói về công việc của bác. Do vậy họa sĩ không cần phải vẽ bổ sung thêm bất cứ chi tiết nào nữa để giới thiệu về bác thợ lò.
Nhân vật mặc áo cổ vuông đằng sau lưng có những tia nắng nhẹ. Chiếc áo kiểu bộ đội chứng tỏ rằng bác thợ lò là lớp người vào làm mỏ từ những người lính sau công cuộc tiếp quản Vùng mỏ năm 1955. Thêm nữa, những hoa văn xanh trên thân bát nước mà nhân vật cầm làm cho bút pháp thêm bay bổng hơn, tung tẩy hơn. Bức tranh tạo cho người xem những ấn tượng tốt đẹp về một người thợ lò có chân dung đôn hậu, rắn rỏi và lạc quan.
Bức vẽ thứ hai cũng rất ấn tượng của họa sĩ Trần Văn Cẩn là “Nữ dân quân vùng biển”. Đây là bức tranh sơn dầu được hoạ sĩ sáng tác năm 1960. Chính giữa bức tranh là chân dung một cô gái đang đứng trên một con thuyền. Toàn bộ y phục màu đen từ chiếc khăn cho đến bộ quần áo cổ thìa đều đen tuyền. Đây là hình ảnh thường thấy của phụ nữ vùng biển Hạ Long lúc đó. Nhân vật trong tranh là một cô gái chắc nịch, da mặt căng hồng trong nắng sớm. Đôi mắt như hấp háy vì nắng lại như biết nói biết cười. Đôi môi căng mọng, gọn gàng yêu đời. Cái áo trễ cổ, chiếc dây lưng đeo đạn trông rất thanh xuân.
Dáng đứng của cô gái kiên cường. Để tăng hiệu quả thị giác cho bức tranh họa sĩ đã vẽ phía sau lưng cô gái những dãy núi xa xa chấp chới trong ánh nắng và vầng mây cuồn cuộn. Ba con thuyền với ba dáng vẻ khác nhau đặt ở phía sau tạo cho bức tranh hun hút chiều sâu. Bức tranh được thể hiện bằng những nét cọ lớn, ào ạt mạnh mẽ mà không sa đà vào tỉa tót. Họa sĩ chỉ nhấn vài điểm nắng trên mặt, trên vai trên cổ cô gái. Vài nếp gấp trên quần áo cô gái cũng đủ gợi lên sức sống căng phồng thanh xuân.
Bức tranh nổi bật thứ ba là bức sơn mài “Thằng cu đất mỏ” được sáng tác năm 1958. Bức tranh thể hiện sự hạnh phúc đổi đời của một gia đình thợ mỏ. Cái tài ở chỗ toàn bộ bức tranh không có sự hiện diện của chủ nhân là người thợ mỏ mà người xem vẫn cảm nhận được điều đó. Bức tranh thể hiện một bà cụ nâng đứa bé hồ hởi vui vẻ đón nhận từ người mẹ trẻ mới vừa sinh con. Phía sau là một cô con gái lớn đang nhoẻn miệng cười vui cùng đứa em mới chào đời. Bốn con người ngồi trên phản gỗ được kê ngay ở đầu thềm nhà.
Vậy nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chưa thấy đất mỏ đâu. Họa sĩ Trần Văn Cẩn tinh tế ở chỗ đưa hoa dâu da vào tranh. Cây dâu da già nằm ngay bên phải bức tranh giúp người ta nhận ra ngay Cẩm Phả. Phố mỏ Cẩm Phả vốn được biết đến với những rặng hoa dâu da nở trắng trời. Thêm vào một chút tươi mát, họa sĩ đã vẽ chuồng chim bồ câu cạnh một chiếc xe máy. Ba con chim bồ câu được vẽ tỉa tót công phu mỗi con một hướng một dáng vẻ. Con thì đậu trên chuồng, con đậu cành dâu da con đậu trên xe máy. Xa hơn là hàng rào khẳng khiu thường thấy ở những căn nhà ven triền đồi. Để bức tranh thêm ấm áp ông vẽ một căn nhà với tường vôi đang tróc lở. Bên trong khung cửa là một thiếu nữ đang phe phẩy quạt làm cho bức tranh có thêm chiều sâu. Dưới tấm phản có một chú chó đang nằm hiền lành phơi nắng. Trong bức tranh này họa sĩ Trần Văn Cẩn đã dùng đá mài làm lộ rõ từng mảng sáng khác hẳn với nền đen câm lặng. Ông đã tô điểm thêm vài miếng màu son đỏ trên xe máy, trên cửa sổ và trên áo bà cụ già làm cho bức tranh ấm áp hơn.
Danh họa Trần Văn Cẩn đã dành cả đời mình cho sáng tạo nghệ thuật. Ông là một trong những cây đại thụ của làng Mỹ thuật Việt Nam, một tấm gương sáng về lao động nghệ thuật cho các thế hệ mai sau. Với những đóng góp đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực Mỹ thuật năm 1996, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều giải thưởng, huân chương, huy chương cao quý khác.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()