Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:34 (GMT +7)
Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho lao động ngành Than
Thứ 6, 04/12/2020 | 00:02:59 [GMT +7] A A
Tại Quảng Ninh, hiện nay nghề mỏ giữ vị trí quan trọng, chiếm số lượng công nhân đông nhất trong các ngành. Tuy nhiên, đây cũng là nghề yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động theo Nghị định 31/2015/NĐ-CP. Mặt khác, với ngành Than, việc sử dụng lao động đã trải qua quá trình đánh giá kỹ năng nghề quốc gia sẽ góp phần nâng cao hiệu suất công việc và giảm thiểu nguy cơ mất ATLĐ.
Lao động ngành Than tham gia đánh giá kỹ năng nghề quốc gia phần thi lý thuyết. |
Trung tâm Huấn luyện ATLĐ và Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia được Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam thành lập từ năm 2011. Đây là trung tâm đầu tiên trong cả nước triển khai công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; đồng thời là đơn vị duy nhất của TKV thực hiện nhiệm vụ này.
Chức năng của trung tâm là đánh giá, cấp giấy chứng nhận kỹ năng nghề cho 12 nghề, gồm: Kỹ thuật khai thác - xây dựng - cơ điện mỏ hầm lò, điện công nghiệp, hàn, giám định khối lượng và chất lượng than, công nghệ ô tô, sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò, vận hành thiết bị sàng tuyển than, nề - hàn - điện, cốp pha giàn giáo, điện tử công nghiệp. Trong đó, nhóm nghề mỏ hầm lò gồm kỹ thuật khai thác mỏ, kỹ thuật cơ điện mỏ và kỹ thuật xây dựng mỏ là những nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động theo Nghị định 31 của Chính phủ.
Tính từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Huấn luyện ATLĐ và Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đã tổ chức đánh giá kỹ năng nghề cho gần 40.000 lao động, chiếm khoảng 78% số lao động được đánh giá trong toàn quốc. Trong đó, công nhân các nghề mỏ hầm lò có tổng số 36.000 lao động, chiếm trên 90% lao động đã được đánh giá. |
Trên thực tế, công tác đánh giá kỹ năng nghề quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp ngành Than. Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là căn cứ cho người sử dụng lao động khi tuyển dụng, phân công công việc và trả lương phù hợp với bậc kỹ năng mà người lao động đạt được. Với người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ được ưu tiên tuyển dụng lao động và có cơ hội tham gia vào thị trường lao động trong các nước ASEAN.
Các thí sinh tham gia phần đánh giá kỹ năng thực hành. |
Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh, hằng năm đơn vị đã phối hợp tuyển sinh và cử tới Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo từ 250-400 học sinh các nghề mỏ hầm lò. Sau quá trình rèn luyện kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp trong thực tế sản xuất, số lao động này được đơn vị cử đi tham gia chương trình đánh giá kỹ năng nghề quốc gia tại trường. Đây là cơ sở để công ty tái cơ cấu lực lượng lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Khẳng định về năng lực của trung tâm, ông Lê Hồng Vĩ, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện ATLĐ và Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho biết: Trong tương lai, ngành Than Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Không chỉ sản xuất, khai thác than, điện hầm lò, khống chế khí độc, vận tải, mà còn tiến tới lĩnh vực khí hóa than… Điều này đặt ra yêu cầu phải có một đội ngũ công nhân trình độ cao hơn để tiếp thu những công nghệ mới, phục vụ yêu cầu phát triển ngành. Chính vì vậy, kỹ năng nghề quốc gia ngày càng trở thành một trong những yếu tố quan trọng để xác định trình độ lao động, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Trung tâm đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ công tác đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo yêu cầu của các nghề. Đối với 3 nghề mỏ (kỹ thuật khai thác - xây dựng - cơ điện mỏ hầm lò) có những quy định, thông tư quy định về danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để đánh giá các nghề này.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()